Người dân được trả kết quả xét nghiệm trực tuyến - Ảnh: HDB
Hoạt động tiêm chủng cần được tiến hành đồng thời với việc xét nghiệm nhằm kiểm soát đại dịch và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế. Các chuyên gia kinh tế của World Bank cho rằng, tốc độ phục hồi tương quan chặt chẽ với quy mô chương trình tiêm chủng, nhưng xét nghiệm vẫn là biện pháp quan trọng để ngăn chặn đại dịch.
Các quốc gia có chương trình tiêm chủng tích cực hơn dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn, bởi những người được tiêm vắc xin vẫn có khả năng lây nhiễm và Việt Nam tiếp tục tăng cường xét nghiệm sau những kết quả đạt được trong năm nay.
Từ ngày 1-10, TP.HCM thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội. Nhiều hoạt động, dịch vụ được phép mở trở lại. Người dân háo hức, phấn khởi sau thời gian dài phải ở nhà. Nhịp sống của thành phố đang dần trở lại.
Tuy nhiên, việc nới lỏng sẽ thực hiện theo lộ trình, ưu tiên phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với tiêu chí an toàn tới đâu, nới lỏng tới đó. Để trở lại cuộc sống bình thường mới, mỗi người chúng ta cần cảnh giác, tuân thủ các biện pháp chung sống an toàn với COVID-19.
PGS Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, từng phát biểu so với các biến thể trước, biến thể Delta thực sự rất đáng lo ngại, làn sóng COVID-19 thứ 4 là điển hình. Không riêng gì Việt Nam mà cả các quốc gia khác như Ấn Độ, các nước Đông Nam Á khác cũng điêu đứng vì biến thể này.
PGS Dũng nhấn mạnh là người dân có vai trò quan trọng nhất nếu muốn chống lại biến thể Delta. Chúng ta sống chung với virus nhưng không được chủ quan, lơ là.
Để đảm bảo bản thân "khỏe mạnh" trước các nguy cơ dịch bệnh và giúp xã hội bảo vệ vững chắc giai đoạn "bình thường mới", mỗi cá nhân cần thực hiện quy tắc tiêm chủng - xét nghiệm sàng lọc trong một số trường hợp.
Tuy nhiên, dù đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, người được tiêm vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, và thực hiện biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt, người được tiêm chủng đầy đủ vẫn cần xét nghiệm sàng lọc định kỳ trong một số trường hợp để biết được bản thân có đang là F0 hay không.
Đây là cách tối ưu để bảo vệ bản thân và hạn chế lây lan mầm bệnh ra cộng đồng cũng như để đón đầu tốc độ lây lan của chủng Delta. Khi hoạt động truy vết gần như bị vô hiệu do không đủ nhân lực, thiếu sự hợp tác khai báo của người dân, xét nghiệm vẫn là một trong những hoạt động đóng vai trò then chốt trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong điều kiện "bình thường mới".
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, chia sẻ thêm, về lý thuyết, xét nghiệm là điều cần thiết, thậm chí xét nghiệm càng nhiều để tìm F0 càng tốt. Tuy nhiên, điều kiện thực tế ở TP.HCM khó thực hiện được như kỳ vọng.
Nguyên nhân là trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, việc xét nghiệm dồn dập gây quá tải cho ngành y tế, thiết hụt cán bộ y tế, xét nghiệm xong không có kết quả cho người dân, chưa kể có thể có sai sót, dẫn tới lây nhiễm chéo trong cộng đồng,…
Đặc biệt là khi có thêm quy định mới chỉ cần thẻ xanh với 2 mũi vắc xin là đủ điều kiện để di chuyển, làm việc… Những nguyên nhân này khiến người dân e dè, chủ quan khi thực hiện xét nghiệm.
Ngoài ra, theo PGS Dũng, nhiều bài báo khoa học, những nghiên cứu tại các quốc gia trên thế giới đã kết luận rằng việc xét nghiệm để tìm F0 là phương pháp hiệu quả nhất trong các giải pháp kiểm soát dịch.
Tại một số quốc gia như: Hàn Quốc, Anh, Đức, Hà Lan, Trung Quốc đang duy trì xét nghiệm như một biện pháp kiểm soát virus lây lan để ngăn chặn đại dịch sau thời gian phong tỏa. Với cách thức tổ chức xét nghiệm thường xuyên, ứng dụng công nghệ và tổ chức khoa học, các quốc gia này đã thành công ngăn chặn biến thể Delta lây lan.
Để giảm thiểu chi phí xét nghiệm mà vẫn có kết quả chính xác, ngành y tế nên áp dụng mẫu gộp và ứng dụng công nghệ vừa giảm nhân lực y tế vừa trả kết quả có QR, đảm bảo chính xác cho người dân. Chi phí xét nghiệm nhanh mẫu gộp do các cơ sở y tế thực hiện chỉ còn khoảng 75.000 đồng, còn thấp hơn chi phí mua dụng cụ và tự test của người dân.
Ngay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhất, công nghệ số đã khẳng định sự cần thiết, góp phần hiệu quả phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, quản lý, vận hành xã hội. Đặc biệt trong việc triển khai xét nghiệm diện rộng thần tốc, nếu không ứng dụng công nghệ sẽ không thể đảm bảo an toàn, nhanh và chính xác, hiệu quả.
Nền tảng Việt Nam Khỏe Mạnh là một trong hơn 20 công nghệ, ứng dụng số hỗ trợ công tác phòng, chống COVID-19 đã được xây dựng, triển khai trên toàn quốc.
Đây là một ứng dụng của Canada, được xây dựng, phát triển với sự tư vấn của Tập đoàn GovTech (chính phủ Singapore) và sự tham gia của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế), Cục Tin học hoá Bộ Thông tin truyền thông nhằm tập trung các giải pháp quản lý toàn diện từ khai báo y tế, đăng ký xuất nhập cảnh, thị thực, quản lý cách ly, truy vết, xét nghiệm, vacxin, khai báo tại các điểm đến, khai báo di chuyển... để tham gia hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.
Qua thực tế triển khai ở một số địa phương, phần mềm quản lý Xét nghiệm đã giúp giảm ít nhất 50% nhân lực y tế và hỗ trợ báo cáo thống kê trực tuyến cho các cơ quan phòng chống dịch. Với giao diện trực quan, chỉ qua các bước thao tác đơn giản, thuận tiện, website đã mang tới tiện ích cho người dân, đáp ứng nhu cầu kiểm soát, phân tích và tổng hợp thông tin của Bộ Y tế, Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức.
TTO - Lễ trao tặng 100 máy thở của tập đoàn Sovico, HDBank cho TP.HCM vừa diễn ra sáng nay, 14-8, tại trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM.