Thông tin đáng chú ý trên được công ty nghiên cứu thị trường trên đưa ra tại báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý III vừa công bố. Theo báo cáo, thị trường bán lẻ tiếp tục bị ảnh hưởng và chịu những tác động đáng kể dưới làn sóng Covid-19 thứ 4, khi mà các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt tiếp tục được thực hiện.
Ngày 23/7, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16 của Chính phủ từ ngày 24/7, kéo dài nhiều đợt và kết thúc vào ngày 21/9.
"Nhìn chung, việc thành phố khẩn trương tiến hành chiến dịch tiêm chủng trong thời gian giãn cách đã phần nào mở ra triển vọng phục hồi cho thị trường bán lẻ tại thời điểm cuối quý III. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, thị trường bán lẻ ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có sự phục hồi đáng kể", đại diện CBRE nhận định.
Giảm giá nhưng tỉ lệ trống vẫn cao
Theo CBRE, trong quý III/2021, phân khúc bán lẻ thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động. Diện tích sàn bán lẻ cho thuê không đổi ở mức hơn 1 triệu m2. Việc các dự án bán lẻ hoãn lại thời điểm khai trương do dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng tới nguồn cung năm nay.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Chi nhánh Hà Nội, cho rằng ngành bán lẻ đã bị ảnh hưởng đáng kể khi các trung tâm thương mại, bán lẻ phải tạm đóng cửa trong hai tháng vừa qua để đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch. Cụ thể, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tiếp tục giảm do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để giữ chân khách thuê, cũng như hỗ trợ các khách thuê do tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 24 USD/m2/tháng, giảm 4% theo quý và giảm 4% theo năm. Về tỷ lệ trống, mặc dù thành phố vẫn ghi nhận một số cửa hàng mới trong quý, tỷ lệ trống các khu vực này vẫn ở mức cao tại 15%, tăng 0,4 điểm % theo quý và tăng 3,8 điểm % theo năm.
Một số trung tâm thương mại tại khu vực Long Biên và xa trung tâm hơn như Nam Từ Liêm, Hà Đông tiếp tục ghi nhận tỷ lệ trống cao từ 35 - 45%. Tại khu vực trung tâm, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một cũng trong xu hướng giảm theo quý, đạt 103 USD/m2/tháng, giảm 1% theo quý và tăng 4% theo năm. Khu vực trung tâm ghi nhận tỷ lệ trống trung bình ở mức 10,5%, giảm 0,5 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của Savills cho rằng, nhiều chủ tòa nhà đã có các chính sách ưu đãi giá thuê ngắn hạn để hỗ trợ khách thuê trong mùa dịch. Giá chào thuê trung bình thị trường đạt 20,8 USD/m2 /tháng, giảm 2% theo quý và 2% theo năm. Hạng A đạt mức giá thuê cao nhất với 33,4 USD/m2 /tháng. Giá thuê giảm chủ yếu đến từ văn phòng hạng B và hạng C, đều đã giảm 3% theo quý.
Công suất thuê đạt 85%, giảm 5 điểm % theo quý và 5 điểm % theo năm do dự án quy mô lớn hạng B là TechnoPark gia nhập thị trường. Văn phòng hạng C vẫn đạt công suất cao nhất là 95%, theo sau là hạng B và hạng A. Hầu hết các tòa văn phòng giữ công suất ổn định. Việc giãn cách xã hội trong quý III/2021 đã làm hoạt động cho thuê văn phòng chậm lại khi các khách thuê chưa thể dịch chuyển hay mở rộng.
Hy vọng vào nhiều dự án mới
Về thị trường bán lẻ, theo báo cáo của CBRE, trong quý cuối năm 2021, Hà Nội dự kiến chào đón 49.000 m2 diện tích mặt bằng bán lẻ mới với dự án Vincom Mega Mall Smart City.
Trong tương lai, các dự án mới, cùng với sự mở rộng, gia nhập của các nhãn hàng hứa hẹn sẽ cải thiện thị trường bán lẻ, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát. Các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng, quan trọng hơn cả là tốc độ tiêm chủng cho 70 - 75% dân số, dự kiến đạt mục tiêu trong quý II/2022, mang lại triển vọng cho sự phục hồi của thị trường bán lẻ, tuy nhiên vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa để thị trường quay trở lại như thời điểm trước khi dịch bệnh diễn ra.
Dự kiến trong các năm 2022 - 2024, sẽ có khoảng thêm gần 300.000 m2 diện tích sàn gia nhập thị trường. Các dự án mới này vẫn tập trung tại khu vực ngoài trung tâm.
Bên cạnh đó, thị trường văn phòng cho thuê cũng đang nỗ lực tìm cách phục hồi và cải thiện. Trong quý III/2021, thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội sẽ đón nhận thêm một dự án hạng A lớn, nằm ngoài khu vực nội đô, với diện tích cho thuê gần 90.000 m2, nâng tổng diện tích văn phòng cho thuê tại Hà Nội lên hơn 1,6 triệu m2.
Dựa trên thống kê giao dịch của CBRE, giao dịch chuyển văn phòng vẫn là xu hướng chủ đạo trong quý III/2021, chiếm 50% tổng số lượng giao dịch trong quý. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng chưa có giao dịch trả hoặc giảm diện tích thuê được ghi nhận trong quý III/2021.
Về ngành nghề, các ngành ngân hàng/tài chính/bảo hiểm, sản xuất và công nghệ thông tin/truyền thông/viễn thông tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu cho thị trường.
Trong ba tháng cuối năm 2021, thị trường dự kiến sẽ không ghi nhận thêm dự án mới đi vào hoạt động. Một số dự án đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích 90.000 m2 dự kiến sẽ rời lịch hoàn thành từ năm 2021 sang năm 2022.
Từ năm 2022 trở đi, thị trường sẽ có thêm hơn 200.000 m2 nguồn cung mới, trong đó hơn 110.000 m2 diện tích văn phòng mới riêng trong năm 2022, chủ yếu tập trung ở khu vực quận Đống Đa, Ba Đình và khu vực phía Tây.
Tỷ lệ hấp thụ dự kiến sẽ trở lại đà hồi phục, dự kiến đạt hơn 10.000 m2 trong quý IV/2021, đưa tổng diện tích hấp thụ trong năm 2021 lên mức 70.000 m2 đến 80.000 m2, vẫn thấp hơn mức hấp thụ năm 2018 - 2019 nhưng cao hơn đáng kể so với năm 2020. Giá thuê trung bình của các dự án hiện hữu dự kiến sẽ tiếp tục được giữ ở mức ổn định trong quý cuối năm 2021.
Hương Anh (t/h từ VTV, Thời báo tài chính)