Trong tổng doanh số bán hàng trên có 8.347 xe du lịch, tăng 34%; 4.886 xe thương mại, tăng 108%; và 304 xe chuyên dụng, giảm 2% so với tháng trước. Về nguồn gốc xe, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 7.316 xe, tăng 37% và xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.221 xe, tăng 76% so với tháng trước.
Trong khi đó, điểm qua thị trường ô tô Việt Nam tháng trước cho thấy, cũng do ảnh của đại dịch Covid-19 nên doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA trong tháng 8/2021 chỉ đạt 8.884 xe, giảm 45% so với tháng trước. Tháng 8 vừa qua cũng là tháng thứ 5 liên tiếp doanh số bán hàng của các thành viên VAMA sụt giảm về doanh số và cũng là tháng có doanh số kỷ lục thấp nhất trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay.
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường của các đơn vị thành viên VAMA đạt tổng cộng 188.937 xe các loại, tăng 5% so với 2020. Trong đó, có 129.896 xe ô tô du lịch, giảm 0,3%; 54.920 xe thương mại tăng 19% và 4.121 xe chuyên dụng tăng 56% so với năm 2020. Tuy nhiên, khi so sánh tổng doanh số bán hàng trên với khi chưa có dịch Covid-19 là năm 2019, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA giảm 18%.
Bên cạnh doanh số bán xe của các đơn vị thành viên VAMA, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác như Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo… nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.
Theo công bố chính thức từ TC MOTOR - đại diện thương hiệu Hyundai Thành Công trong tháng 9 vừa qua có doanh số bán 4.079 xe, nâng tổng số 9 tháng năm 2021 lên 44.327 xe các loại; và VinFast cũng bán được 3.497 xe, nâng tổng số xe bán ra của đơn vị này lên 25.527 xe được bàn giao đến tay khách hàng.
Nếu tính doanh số được công bố chính thức từ VAMA, TC MOTOR và VinFast, trong tháng 9/2021, thị trường ô tô Việt Nam có tổng cộng 21.113 xe được bán; nâng tổng doanh số bán trong 9 tháng qua lên 258.791 xe các loại được khách hàng đón nhận.
Theo báo cáo bán hàng của các hãng, hầu hết doanh số bán xe của các đơn vị trong tháng 9 vừa qua đều có mức tăng trưởng khá, như TC MOTOR có doanh số bán hàng tăng 87% hay VinFast cũng tăng đến 51,4% so với tháng trước...
Nhìn vào doanh số bán hàng của các thương hiệu ô tô tại Việt Nam trong tháng 9 vừa qua cho thấy, TC MOTOR đã vươn lên dẫn dắt doanh số bán hàng khi tiêu thụ được 4.079 xe. Vị trí tiếp theo là VinFast bán được 3.497 xe, Toyota 2.942 xe, Kia 2.184, Mazda 1.055 xe...
Theo các doanh nghiệp, để có được kết quả bán hàng tăng trưởng như trên là nhờ tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và nhờ có các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ. Nhiều tỉnh thành phố trong cả nước nới lỏng giãn cách xã hội, bước vào trạng thái bình thường mới đã thúc đẩy doanh bán xe của các hãng nói riêng.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, với mức tăng trưởng như trên và tình hình dịch bệnh đã và đang từng bước được kiểm soát, từ nay đến cuối năm còn gần 3 tháng cũng là thời điểm cao điểm mua sắm trong năm nên khép lại năm 2021 thị trường ô tô Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức hai con số.
Tuy nhiên, hầu hết người tiêu dùng cũng như nhiều hãng xe vẫn kỳ vọng Chính phủ sớm đồng ý việc giảm 50% lệ phí trước bạ như các doanh nghiệp đã đề xuất cách đây hai tháng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ người tiêu dùng nhằm kích thích nhu cầu mua sắm những tháng cuối năm trong bối cảnh đại dịch.
Nỗ lực hỗ trợ phát triển, kích cầu ngành công nghiệp ô tô trong nước
Tháng 5/2021 vừa qua đã diễn ra cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì làm việc, thống nhất với các bộ, cơ quan như Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp và rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trong đó lưu ý về thẩm quyền, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, có chế tài xử lý vi phạm, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện và thể hiện rõ một số nội dung sau:
Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.
Xây dựng Đề án về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, đón đầu và tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid-19, phát triển hệ sinh thái đối với ngành sản xuất ô tô. Đây là việc làm cấp bách trong giai đoạn này. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng ngay Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh, thành phố phải chủ động có biện pháp đón các dòng đầu tư mới vào Việt Nam.
Rà soát các nội dung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được các cơ quan chức năng thống nhất, bảo đảm đúng quy định, thẩm quyền và hài hòa với khả năng cân đối của Ngân sách Nhà nước.
Xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, thời gian giảm đến hết quý IV/2020.
Cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 được hạch toán vào chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Xem xét, điều chỉnh phù hợp tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện và khuyến khích ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Chưa xem xét việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân.
Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, ngành hàng nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm đến phục vụ nhu cầu trong nước, mở rộng thị trường, tạo đà phát triển bền vững, bứt phá.
Hương Anh (t/h từ Báo Tin Tức, Tạp chí Tài chính)