Tờ South China Morning Post cho hay Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu thuộc Liên minh châu Âu (EU) - ông Charles Michel vào ngày 15-10. Nội dung trao đổi chưa được công bố, song nhiều khả năng vẫn sẽ xoay quanh các vấn đề trong quan hệ hai bên và hướng đi mới trong thời gian tới.
Đáng chú ý, sự kiện này diễn ra sau khi 27 lãnh đạo EU vừa họp ở Lithuania hôm 5-10 và nhất trí cần phải làm rõ lập trường của EU trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên, trái) với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trên, phải) và một số lãnh đạo EU trong buổi lễ ký kết trực tuyến thỏa thuận đầu tư toàn diện giữa EU với TQ ngày 30-12-2020. Ảnh: EU
EU chật vật khẳng định vị thế
Trong bài viết mới đây trên tờ The Wall Street Journal, cựu tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen nhận định đã đến lúc EU phải chấp nhận và thích nghi với một trật tự toàn cầu mới, nơi nước Mỹ đã trở lại làm cường quốc hàng đầu bên cạnh những thay đổi nền tảng về các mối đe dọa an ninh của EU.
Nga tới lúc này vẫn là mối đe dọa lớn nhất ở châu Âu nhưng một TQ với tiềm lực kinh tế - quốc phòng mạnh mẽ cũng đuổi sát theo sau. Bên cạnh duy trì đối phó với Nga, Mỹ lúc này tập trung lượng lớn nguồn lực quân sự và ngoại giao để đối kháng TQ, thông qua các kế hoạch triển khai tàu chiến đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD) cũng như siết chặt mạng lưới đồng minh, đối tác ở đây thông qua các cơ chế AUKUS (liên minh an ninh Mỹ - Anh - Úc) hay QUAD (nhóm Bộ tứ: Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc).
Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ mất đi ưu thế và tầm ảnh hưởng hiện có ở AĐD-TBD thì điều này sẽ gây nên một cú sốc về sự cân bằng quyền lực toàn cầu và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến EU.
Cho tới nay, EU vẫn cố gắng giữ thế cân bằng giữa Mỹ và TQ. Dù không còn quá cả tin vào những toan tính của TQ và một phần do sức ép từ phía Mỹ, chính sách của EU vẫn bị các lợi ích kinh tế và chủ nghĩa trọng thương chi phối mạnh, điển hình là sự vội vàng của Pháp và Đức khi thúc đẩy các thành viên còn lại ký kết thỏa thuận đầu tư với TQ hồi cuối năm 2020.
Vào thời điểm đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã đề nghị trì hoãn thỏa thuận này cho tới khi chính quyền Tổng thống Joe Biden điều phối được một kế hoạch chung với EU nhưng bất thành, một lượng lớn thành viên EU đã đồng ý ký thỏa thuận này bằng mọi giá. Tuy nhiên, EU sau đó gần như phải cho đình chỉ vô thời hạn thỏa thuận với TQ do Bắc Kinh áp trừng phạt lên một loạt đại sứ EU, thành viên Nghị viện châu Âu cùng một số quan chức và tổ chức ở châu Âu liên quan tới vấn đề Tân Cương.
“EU đang dần hiểu ra rằng không dễ để tìm kiếm sự cân bằng hiệu quả trong quan hệ với TQ và Mỹ. EU cũng từng cố gắng áp dụng lập trường trung lập trong quan hệ với Nga nhưng điều này cũng không hiệu quả. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và TQ, vốn là cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống chính trị khác nhau, thật sự không có chỗ để EU chần chừ và lập lờ quan điểm” - ông Rasmussen khẳng định.
Trước một nước Mỹ ngày càng chủ động và một TQ đầy tham vọng, châu Âu nhận thức rõ cần phải thay đổi, trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn, độc lập, tự chủ hơn về đối ngoại để có thể cạnh tranh với cả hai cường quốc này. Nếu chậm chân, cuộc đối đầu Mỹ - Trung gay gắt sẽ khiến châu Âu bị kẹt giữa và chịu nhiều tổn thất. TS JORDAN BENSON, ĐH Oxford (Anh) |
EU và áp lực phải chọn phe
Theo ông Rasmussen, nguy cơ lớn nhất trong cách tiếp cận của EU với TQ hiện tại là có thể đẩy khối này vào con đường lệ thuộc kinh tế. Bắc Kinh từng lợi dụng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu thời gian 2009-2010 để thâu tóm thị trường các nước EU thuộc khu vực Đông Âu, bằng cách nhanh chóng ký các thỏa thuận đầu tư chiến lược và các khoản vay ưu đãi, gần giống những gì nước này đang làm với sáng kiến Vành đai - con đường hiện tại.
“TQ đã cho thấy nước này không ngần ngại sử dụng tiềm lực kinh tế như một thứ vũ khí để tấn công các nước khác và EU không sớm thì muộn sẽ bước thẳng vào một cái bẫy của Bắc Kinh nếu cứ tiếp tục ưu tiên lợi ích kinh tế với TQ” - ông Rasmussen cảnh báo.
Không phải tất cả các nước EU đều có cùng lập trường về TQ. Hồi tháng 5, Lithuania quyết định rút khỏi sáng kiến 17+1 của TQ - một thỏa thuận nhằm mở rộng việc đầu tư của Bắc Kinh tại Trung và Đông Âu. Một số nhà quan sát cho rằng động cơ của TQ đằng sau sáng kiến trên là nhằm gia tăng ảnh hưởng và chia rẽ sự đoàn kết của châu Âu. Sự kiên định của Lithuania, một quốc gia chưa tới 3 triệu dân, cho thấy EU nếu quyết tâm và đồng thuận cũng có thể hành động và nói không với TQ.
Về phía quan hệ với Mỹ, ông Rasmussen thừa nhận vụ thỏa thuận AUKUS lẽ ra Mỹ và đồng minh châu Âu nên trao đổi trước một cách cụ thể về bản chất và nhiệm vụ cốt lõi của liên minh mới này, thay vì chỉ được thông báo vài phút trước khi thỏa thuận được công bố. Tuy nhiên, khi những lời giải thích được đưa ra và bất đồng dần hóa giải, các lãnh đạo EU, nhất là Pháp - nước bị ảnh hưởng nhiều nhất vì các điều khoản về công nghệ tàu ngầm hạt nhân trong AUKUS, sẽ phải tự đặt ra câu hỏi liệu họ có thực sự có được lợi ích hay không khi leo thang căng thẳng với Mỹ và chia rẽ nỗ lực của đồng minh ở AĐD-TBD. Còn Đức sau cuộc bầu cử vừa kết thúc cũng có thể sẽ củng cố lập trường cứng rắn với TQ với sự tham gia của đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do vào chính phủ mới.
Theo khảo sát của tổ chức Hội đồng Đối ngoại châu Âu được công bố hồi cuối tháng 9, gần 75% người dân các nước EU tham gia khảo sát tin rằng một cuộc chiến tranh lạnh mới đang nhen nhóm giữa Mỹ và TQ. 31% ý kiến cũng cho rằng EU hiện đang mâu thuẫn với TQ.
Theo ông Rasmussen, những nhận định này dù có thể cảm tính theo chiều diễn biến toàn cầu song vẫn phản ánh một thực trạng khá rõ là TQ đang rất không được lòng Mỹ, EU và các đồng minh khác và sự cạnh tranh giữa các bên đang ngày càng gay gắt hơn. Trong tình thế như vậy, EU không thể đứng ngoài nữa mà đã đến lúc chủ động gia nhập cuộc chơi, sát cánh cùng Mỹ trước mối đe dọa chung TQ.•
EU kháng cự ảnh hưởng kinh tế từ TQ Hồi giữa tháng 9, EU đã cho công bố sáng kiến Cánh cổng toàn cầu, mà mục đích lớn nhất là để cạnh tranh với sáng kiến Vành đai - con đường của TQ. Sau nhiều năm bị động, các nước EU dường như đã đi tới nhận thức chung rằng để cạnh tranh với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ thì không chỉ dùng lời nói mà còn phải hành động. Rất nhiều nước đang phát triển coi các đề nghị từ TQ là một cơ hội lớn về kinh tế, một phần cũng vì không có lựa chọn khác thay thế. Nếu triển khai tốt, Cánh cổng toàn cầu sẽ phối hợp nhịp nhàng với kế hoạch Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn mà nhóm G7 (Mỹ, Nhật, Úc, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ý) công bố hồi tháng 6. Hai dự án sẽ bao phủ số lượng lớn quốc gia ở châu Á, châu Phi trên một loạt lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng, viễn thông, năng lượng và quản trị công. |