Người dùng mong muốn app chống dịch PC-COVID có nhiều tính năng hoàn chỉnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo phản ảnh của người dùng, PC-COVID hiện vẫn còn gặp lỗi mã xác thực OTP, chưa bổ sung đầy đủ thông tin số mũi tiêm hoặc lúc có lúc không, và thiếu nhiều tính năng cho xứng với cái tên ứng dụng chống dịch duy nhất.
App còn "lộn xộn", chưa dám ra đường
Sáng 12-10, ông Trần Tùng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết không thể sử dụng ứng dụng PC-COVID vì lỗi liên quan đến mã xác thực OTP. Sau khi cài đặt và nhập mã xác thực để đăng nhập vào tài khoản đều bị thông báo lỗi, thử lại vài lần nhưng đều không đăng nhập được.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, vấn đề được nhiều người dùng phản ảnh nhất đến giờ vẫn là chuyện hiển thị, cập nhật thông tin số mũi tiêm vắc xin COVID-19 của ứng dụng.
Chị Thảo Nguyên (quận 5, TP.HCM) cho biết đã tiêm mũi thứ hai hơn 14 ngày và cũng đã được ghi nhận trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, nhưng trên PC-COVID lại vẫn chỉ có một mũi.
"Người nhà và nhiều người quen của tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Mỗi khi ra đường chúng tôi đều phải cầm thêm tờ giấy xác nhận đã tiêm mũi 2 để khi cần kiểm tra", chị Uyên cho biết.
Tương tự, bà Thu Cúc (quận 8, TP.HCM) phản ảnh: "Khi đi tiêm mũi 2, phường nói không cấp giấy xác nhận vì thông tin sẽ được cập nhật trên app, giờ app không thấy đâu, giấy cũng không có... Tôi đang có nhiều việc cần phải giải quyết sau thời gian giãn cách nhưng không dám ra đường"...
Nhiều người dùng cũng cho biết ứng dụng PC-COVID còn chậm cập nhật cả việc khai báo y tế từ các ứng dụng liên thông chống dịch khác.
Theo phản ảnh của anh Văn Đức (quận Phú Nhuận, TP.HCM), do nhu cầu công việc nên anh phải khai báo y tế thường xuyên trên nhiều ứng dụng khác nhau như: Y tế HCM, tokhaiyte.vn... "Gần như cứ 3 ngày tôi phải khai báo y tế một lần.
Có lúc, theo yêu cầu đặc biệt của nơi đến, tôi phải khai báo thêm lần nữa. Thế nhưng khi kiểm tra trên ứng dụng PC-COVID lại cho thấy lần khai báo gần nhất của tôi đến 12 ngày trước, tức ngày 30-9", anh Đức kể.
App chống dịch quốc gia quá ít tính năng
Thời điểm ra mắt ứng dụng PC-COVID, theo Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 (Bộ Thông tin và truyền thông), 4 dữ liệu quan trọng nhất cần liên thông là: tiêm chủng, nền tảng xét nghiệm, bảo hiểm xã hội, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên đến thời điểm này, ngoài tính năng được nhiều người dùng quan tâm nhất là thông tin hiển thị số mũi tiêm bên cạnh mã QR thông tin cá nhân, PC-COVID còn quá ít tính năng so với kỳ vọng về một ứng dụng chống dịch duy nhất cho quốc gia.
Ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, nhận xét ứng dụng có thiết kế các biểu tượng (icon) chức năng và cỡ chữ khá nhỏ, có thể gây khó khăn cho người lớn tuổi. Ứng dụng nên có thiết lập tùy chọn về hiển thị để người lớn tuổi có thể dễ dàng xem và sử dụng.
"Cách nhập liệu thông tin địa chỉ phường hơi lộn xộn, không theo quy tắc tăng dần cho dễ tìm. Chẳng hạn chỗ tôi ở là quận Bình Thạnh (TP.HCM), khi chọn các phường lại thấy hiển thị lần lượt là: phường 13, phường 11, phường 27, phường 26, phường 12, phường 25, phường 5... Bên cạnh đó, tôi thấy tính năng đăng ký tiêm chủng rất cần thiết cho hiện giờ và sau này nhưng không thấy trên app PC-COVID", ông Vũ cho biết.
Còn theo ông Phan Thanh Giản, giám đốc dịch vụ truyền hình Internet ClipTV, ứng dụng chống dịch duy nhất của quốc gia có thể học hỏi theo mô hình của Singapore.
Cụ thể, họ đang vận hành cả một hệ thống từ tiêm vắc xin, "hộ chiếu vắc xin", liên lạc tổng đài và khám bệnh qua ứng dụng cũng như quản lý việc đánh dấu đi lại của người dân... đều chỉ trên duy nhất một ứng dụng thống nhất.
Chưa kể người dân có thể sử dụng các thiết bị phục vụ kiểm soát theo cách tiện lợi nhất cho mình, chẳng hạn người trẻ dùng ứng dụng trên smartphone, người già và trẻ em có thể dùng thiết bị đặc thù...
Một người dân gửi phản ánh đến ứng dụng PC-COVID - Ảnh: H.T.H.
TTO - Đó là kết quả kiểm tra, đánh giá độc lập của các cơ quan tham gia kiểm soát về an toàn, bảo mật thông tin đối với ứng dụng PC-COVID được công bố ngày 7-10.
Xem thêm: mth.23950832221011202-nohc-pahc-teh-auhc-divoc-cp/nv.ertiout