Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn tứ bề, nhưng nhiều địa phương ở miền Trung như Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi... vẫn có những chỉ số tăng trưởng ấn tượng. Và nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế là do công nghiệp và xuất nhập khẩu “dẫn dắt trận đấu”.
Những địa phương tăng trưởng ấn tượng
Bức tranh chung của kinh tế miền Trung trong 9 tháng đầu năm 2021 nhìn chung là ảm đạm với rất nhiều con số âm do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn có những mảng sáng ở một số địa phương, ví như Quảng Ngãi.
Theo báo cáo của UBND tỉnh này, trong 9 tháng đầu năm, nhiều chỉ số cho kết quả nổi bật như, sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,91% so với cùng kỳ. Cụ thể: Thép xây dựng tăng 102%; sản phẩm lọc hóa dầu tăng 14,7%; giày da các loại tăng 79,4%; sợi tăng 61,5%; cuộn cảm tăng 37,8%; điện sản xuất tăng 38,3%; điện thương phẩm tăng 41,1%; thủy sản chế biến tăng 5,9%; sản phẩm may mặc tăng 2,8%...
Tổng thu ngân sách nhà nước của Quảng Ngãi trong 9 tháng ước đạt 14.946 tỉ đồng, tăng 42,9% so với cùng kỳ và bằng 82,6% dự toán năm. Trong đó thu nội địa ước đạt 9.130 tỉ đồng, tăng 21,2% và bằng 69,9% dự toán năm; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 5.794 tỉ đồng, tăng 97,7% và bằng 115,9% dự toán năm.
Tương tự Quảng Ngãi là Thừa Thiên - Huế với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,64%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 5,22% so với cùng kỳ. Trong đó một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng gồm bia 197,8 triệu lít, tăng 4,44%; sợi các loại 74,3 nghìn tấn, tăng 13,84%; quần áo lót 302,6 triệu SP, tăng 30,62%; xi măng 1.636,5 nghìn tấn, tăng 2,42%; tôm đông lạnh 4,9 nghìn tấn, tăng 6,45%; men frit 200,87 nghìn tấn, tăng 11%; dăm gỗ 483,2 nghìn tấn, tăng 13,22%... Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt 840,3 triệu USD, tăng 32,2% và đạt 91,3% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 534,9 triệu USD, tăng 39,4% so cùng kỳ và đạt 93,02% kế hoạch năm. Đây là mức và các chỉ số tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành trong vùng duyên hải miền Trung vốn chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Công nghiệp và xuất nhập khẩu quyết định
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, có rất nhiều nguyên nhân cũng như giải pháp điều hành để Thừa Thiên - Huế có được những chỉ số tăng trưởng “xanh” như bây giờ. Trong đó, nguyên nhân có tính quyết định là Thừa Thiên - Huế giữ được an toàn cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, lưu thông hàng hoá trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Công nghiệp và xuất khẩu dẫn dắt trận đấu” - ông Phương ví von: “May mắn là đến thời điểm này, dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, chưa bùng phát mạnh như một số địa phương, cộng với việc kiểm soát dịch bệnh trong các doanh nghiệp tốt, đồng bộ, hiệu quả nên chúng tôi duy trì được sản xuất”.
Vấn đề nữa là dù kiểm soát chặt dịch bệnh nhưng các chính sách phục vụ lưu thông hàng hoá ở Thừa Thiên - Huế lại được tạo điều kiện tốt, thông thoáng trong bối cảnh toàn vùng, toàn quốc và nhiều nước liên tục bị đứt gãy chuối cung ứng cũng như tồn đọng hàng xuất, điều này thể hiện rõ ở chỉ số xuất nhập khẩu.
Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thì yếu tố trước hết để địa phương này có các chỉ số tăng trưởng ấn tượng là dịch bệnh không tác động nhiều đến địa phương như một số tỉnh thành khác. Điều này dẫn đến gần như việc sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh gần như không bị ảnh hưởng nhiều. Khác biệt nữa đến từ ngành du lịch, dịch vụ và thương mại. Trong khi Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà... coi đây là “mũi nhọn”, thậm chí nhiều địa phương có dấu hiệu “gom trứng về một rổ”, thì đó lại không phải là thế mạnh của Quảng Ngãi. Vì vậy sự lên xuống của các chỉ số liên quan đến lĩnh vực này hiện không ảnh hưởng nhiều đến bức tranh kinh tế chung của địa phương này.