Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về chênh lệch trong phục hồi kinh tế giữa các quốc gia. Trong khi tỉ lệ lạm phát tại các nước phát triển sẽ giảm xuống 2% vào giữa năm 2022 sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2021 thì tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tình hình không mấy cải thiện.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới số mới nhất, IMF dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 5,9% trong năm nay, giảm 0,1% so với tính toán đưa ra hồi tháng 7, nhưng cho thấy sự phục hồi rõ rệt so mới mức 3,1% năm 2020.
Tổ chức này giữ nguyên mức tăng trưởng dự báo 4,9% năm 2022, đồng thời đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa đi kèm với tăng trưởng kinh tế. Tiêu biểu là biến thể Delta, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, đội giá lương thực và nhiên liệu.
Ông Gita Gopinath, Giám đốc phân tích kinh tế của IMF đánh giá: “Nhìn chung, tiềm năng kinh tế thế giới đối diện với nhiều nguy cơ và thách thức. Bài toán đánh đổi để phát triển cũng trở nên phức tạp hơn. Khoảng cách trong phát triển kinh tế giữa các quốc gia vẫn là một mối quan tâm lớn”.
Trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 xuống 6% bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng nâng từ 4,9% lên 5,2% cho năm 2022. Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 8% năm nay nhưng năm sau lại giảm xuống 5,6%. IMF nhận định cả hai đầu tàu kinh tế đều giảm 0,1 điểm so với tháng 7.
Tăng trưởng của Nhật Bản, Anh, Đức và Canada dự báo cũng giảm trong năm 2021, nhưng tình hình sẽ dần chuyển biến tích cực. Các nước thu nhập thấp chỉ tăng trưởng 3%, giảm 0,9 điểm so với tháng 7.
Để xoa dịu nỗi lo lắng về lạm phát của các nhà đầu tư, IMF đã chỉ ra vài điểm sáng: Tỉ lệ lạm phát sẽ giảm xuống 2% ở các nền kinh tế phát triển khoảng giữa năm 2022 sau khi đạt đỉnh vào những tháng cuối năm nay.
Tuy nhiên, lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự báo vẫn ở mức 4,9% trong năm 2022. Con số này không cải thiện là mấy so với mức 5,5% trong năm nay.
IMF cảnh báo rủi ro lạm phát có xu hướng tăng và rủi ro tăng trưởng thiên về hướng giảm. IMF tính toán tổng sản phẩm quốc nội của các nước phát triển sẽ lấy lại mức trước đại dịch vào năm 2022 và thậm chí vượt 0,9% so với trước đại dịch vào năm 2024. Nhưng chỉ 2/3 quốc gia khôi phục được công ăn việc làm như trước dịch. Con số này ở các nước mới nổi và đang phát triển thấp hơn nhiều.
Sự chênh lệch chủ yếu là do khả năng tiếp cận vaccine và hỗ trợ chính sách từ chính phủ. Khoảng 60% người dân được tiêm vaccine COVID-19 ở các nước giàu, nhưng tỉ lệ này chỉ đạt dưới 5% ở các nước thu nhập thấp.
Các ngân hàng Trung ương sẽ “lướt qua” lạm phát nhất thời và tránh áp đặt chính sách tiền tệ cho đến khi duy trì được tình hình ổn định. Nhưng họ cũng cần chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó nếu nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn dự kiến hoặc lạm phát tiếp tục tăng lên.
Trên thị trường tài chính, IMF cho rằng, vướng mắc trong định giá tài sản khiến tâm lý các nhà đầu tư dễ thay đổi trước tin bất lợi về đại dịch hay chính sách. Những vấn đề đáng lo ngại hiện nay bao gồm sự bế tắc trong giới hạn nợ tại Mỹ và nguy cơ sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Trông rộng ra, nếu hậu quả dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, GDP thế giới sẽ giảm khoảng 5,3 nghìn tỉ USD trong 5 năm tới. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu chính phủ các quốc gia chung tay chia sẻ nguồn lực vaccine.
Xem thêm: odl.330369-neirt-tahp-gnad-coun-cac-o-iad-oek-oac-tahp-mal-iagn-ol-fmi/et-hnik/nv.gnodoal