Sản xuất theo hướng an toàn
Định hướng phát triển thanh long của tỉnh Bình Thuận hiện nay là không khuyến khích mở rộng diện tích mà tập trung phát triển sản xuất thanh long đi vào chất lượng để phát triển bền vững.
Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, để thanh long phát triển có hiệu quả, ổn định và bền vững, phải sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc sản xuất này sẽ đáp ứng thị trường đang ngày càng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Bình Thuận đang hình thành vùng sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Tỉnh cũng đang triển khai dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha tại huyện Bắc Bình cho nhiều loại cây trồng khác nhau; trong đó có cây thanh long.
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về triển khai chương trình sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn, các sở, ngành liên quan, các địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP. Đến tháng 9/2021, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP là 11.500 ha, chiếm hơn 30% diện tích thanh long toàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP thời gian qua đã đạt một số hiệu quả nhất định. Việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đã đáp ứng việc nâng cao giá trị sản phẩm thanh long và đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Mặc khác, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng được hạn chế tối đa, làm tăng uy tín và chất lượng cho sản phẩm thanh long Bình Thuận.
Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn vẫn chưa ổn định, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Nhiều nông dân tham gia sản xuất thanh long VietGAP cho biết hiện chưa có sự khác biệt nhiều giữa giá thu mua thanh long chuẩn VietGAP và chưa có VietGAP. Do đó, chưa thu hút đông đảo người dân tham gia trồng thanh long tiêu chuẩn theo đúng kế hoạch đề ra.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Hiện thanh long Bình Thuận tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái tươi; khoảng 15-20% sản lượng thanh long cung cấp cho thị trường nội địa; 80-85% tập trung cho xuất khẩu.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long trong và ngoài nước, như tổ chức các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ trái thanh long của tỉnh Bình Thuận, thực hiện mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp (mô hình tiêu thụ thanh long).
Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ hóa các giải pháp nhằm đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu; các cơ quan kiểm dịch tại khu vực cảng, cửa khẩu ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm dịch thực vật đối với thanh long xuất khẩu; tăng cường an ninh, trật tự trên địa bàn cho thương nhân thu mua thanh long; cho phép các biện pháp phù hợp để ưu tiên đối với việc vận chuyển thanh long, điều tiết kịp thời các phương tiện vận tải để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa…
Trong tháng 8/2021, Sở Công Thương Bình Thuận đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021 thông qua hình thức Zoom, Tencent và Facebook. Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã thanh long của tỉnh đã kết nối giao thương trực tuyến với đối tác Ấn Độ, một số doanh nghiệp tại thị trường Australia, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu…
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, kết thúc phiên kết nối giao thương trực tuyến, doanh nghiệp các bên nhất trí sẽ tiếp tục kết nối, trao đổi thông tin cụ thể (giá cả, quy cách sản phẩm…) để có thể tiến tới ký kết hợp đồng kinh doanh trong thời gian tới. Hội nghị mở ra cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long của tỉnh trong thời gian tới.
Đầu tháng 10/2021, một tin vui đến với người trồng thanh long Bình Thuận là Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý quả thanh long của Bình Thuận. Đây là nông sản thứ 2 của Việt Nam, sau vải thiều Lục Ngạn, được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng, khẳng định uy tín của thanh long Bình Thuận, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ ở các thị trường khó tính khác như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand….
Để đảm bảo mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long, trong tháng 9/2021, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước năm 2021. Theo đó, đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường các nước, chú trọng củng cố và mở rộng các thị trường xuất khẩu truyền thống hiện có, tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không phát triển mới diện tích thanh long. Bên cạnh đó, Sở phối hợp các đơn vị tuyên truyền, vận động người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu…
Bên cạnh việc tiêu thụ thanh long trái tươi, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm từ trái thanh long như nước ép, sấy khô, sấy dẻo, rượu vang thanh long… Các sản phẩm này bước đầu đã thâm nhập thị trường và được người tiêu dùng quan tâm; đây cũng là tín hiệu đáng mừng góp phần đa dạng thị trường tiêu thụ trái thanh long Bình Thuận.
Thanh long chiếm 44% tổng trị giá xuất khẩu quả và quả hạch
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cộng dồn 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm thì rau quả xuất khẩu vẫn tăng trưởng khả quan, trong đó quả và quả hạch có trị giá xuất khẩu lớn nhất đạt 1,6 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Thanh long xuất khẩu chiếm 44% tổng trị giá xuất khẩu quả và quả hạch, đạt 704,6 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là các chủng loại quả xoài, chuối, mít, dưa hấu… đều đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm 2021.
Sản phẩm chế biến là chủng loại lớn thứ hai trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu, đạt 516,1 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chủng loại dừa và trái cây sấy xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn và có tốc độ tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm 2021, đạt 62,5 triệu USD và 54,9 triệu USD, tăng tương ứng 89,1% và 101,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Các chủng loại hoa và lá xuất khẩu cũng có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó trị giá xuất khẩu hoa đạt 35,7 triệu USD, tăng 35,3%; chủng loại lá xuất khẩu đạt 4,6 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam đã có 9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Trung Quốc trái mít không có phân loại mã HS riêng, nên chỉ tổng hợp được 8 loại quả Trung Quốc nhập khẩu trong đó có nhập khẩu từ Việt Nam.
Trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu các thị trường cung cấp 8 chủng loại quả trên cho Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2021, đạt 747,6 nghìn tấn, trị giá 491,2 triệu USD, giảm 10% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong số 8 loại quả nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất là chủng loại quả thanh long từ Việt Nam, đạt 368,9 nghìn tấn, trị giá 491,2 triệu USD, giảm 12,7% về lượng và giảm 11,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Quả thanh long chiếm 49,3% tổng lượng nhập khẩu 8 loại quả từ Việt Nam; tiếp theo là chủng loại quả chuối tươi và khô chiếm 39,2%; dưa hấu chiếm 7,2%; nhãn và long nhãn chiếm 3,8%; xoài chiếm 0,3%...
Hương Anh (t/h từ Báo Tin Tức, Báo Đầu tư)