Tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, chưa có nhà xe nào đăng ký hoạt động lại. Nhiều nhà xe khách vẫn chưa dám mở bán vé chuyên chở hành khách mà chỉ nhận chuyển hàng hoá do nhiều địa phương vẫn “im lìm”, chưa có quy định về vận chuyển hành khách cụ thể.
Đến chiều 13.10, UBND TP.Đà Nẵng vẫn chưa có văn bản nào cho ý kiến về việc nối lại vận tải hành khách liên tỉnh. Chính vì vậy, dù một số tỉnh thành đã như TPHCM đã cho phép các nhà xe hoạt động lại nhưng đến nay, để tìm được hãng xe nhận chở khách đi các nơi hay cụ thể là về Đà Nẵng không hề dễ, thậm chí là gần như không có.
Cụ thể, liên hệ với Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang, một trong những đơn vị vận tải hành khách lớn, chạy nhiều tuyến khắp Bắc Nam, đơn vị này cho biết đến ngày 13.10, doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch mở bán vé hành khách trở lại ở mọi chuyến.
Nguyên nhân là do các tỉnh thành vẫn chưa có ý kiến về việc kết nối vận tải hành khách liên tỉnh và đưa ra những quy định về việc tiếp nhận xe khách.
“Hiện đơn vị vẫn chỉ nhận vận chuyển hàng hoá, nhiều khách hàng gọi hỏi nhưng chúng tôi phải từ chối vì đơn vị cũng đang chờ thêm thông tin ” - nhân viên nhà xe Phương Trang cho hay.
Trong khi đó tại Đà Nẵng, các hãng xe còn im lìm hơn vì chính quyền thành phố chưa có bất kỳ ý kiến gì về việc nối lại vận tải hành khách liên tỉnh.
Ông Tô Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Đà Nẵng chia sẻ, sự thận trọng của chính quyền cũng là điều dễ hiểu bởi hiện nay, dịch bệnh COVID-19 tại một số tỉnh thành còn đang phức tạp. Ví dụ, tỉnh Quảng Nam ngay sát bên cạnh, hiện có một số ổ dịch bùng phát lại, nếu cho xe khách liên tỉnh chạy khắp nơi, người dân ở các tỉnh thành khác đổ về thì nguy cơ dịch bùng phát sẽ còn tăng lên.
“Tuy nhiên, địa phương cũng cần có ý kiến hoặc là chưa mở hoặc là phải chờ đợi ra sao để doanh nghiệp, người dân được biết. Bởi với chúng tôi, chờ đợi mỗi ngày là kinh tế bị ảnh hưởng, với người dân là công ăn việc làm…” - ông Hiệp nói.
Về việc Chính phủ vừa có Nghị quyết 128 quy định tạm thời các biện pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thay cho các Chị thị 15, 16 hay 19 trước đây, ông Hiệp cho rằng vẫn chưa nói trước được sẽ giúp doanh nghiệp hơn hay không.
“Chỉ riêng với vận tải hàng hoá, các quy định về luồng xanh để vận hành ổn định thôi, doanh nghiệp cũng phải chạy theo rất nhiều quy định từ Bộ cho đến từng địa phương chứ chưa nói đến vận tải hành khách. Nghị quyết mới có sự đổi mới hơn so với các Chỉ thị trước nhưng vẫn phân quyền cho địa phương, tuỳ vào tình hình để đưa ra những quy định về mọi hoạt động. Vậy thì chắc chắn doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn.
Điều chúng tôi cần là sự thống nhất về quy định từ trên xuống dưới, ở mọi địa phương. Nói vậy nhưng đây là cũng việc khó cho các địa phương bởi dịch bệnh mỗi nơi mỗi khác, chính quyền vẫn phải lo đảm bảo an toàn là trên hết, rồi mới đến kinh tế. Vì vậy, dù là mở cửa lại vận tải liên tỉnh nhưng chắc chắn sẽ mất thời gian để các địa phương thống nhất các quy định rồi doanh nghiệp với hoạt động lại. Bởi, tái khởi động bây giờ, doanh nghiệp sẽ rất mạo hiểm về chi phí đầu tư lớn mà không biết chạy được bao lâu thì lại phải dừng”.
Xem thêm: odl.402369-ev-nab-om-mad-auhc-ex-ahn-mil-mi-nav-gnan-ad-o-hcahk-ex/et-hnik/nv.gnodoal