Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trong các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhằm tạo điều kiện cho các DN hoạt động trở lại, đồng thời thu hút các nhà đầu tư mới, Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh đã triển khai nhiều giải pháp giúp các DN, thực hiện tốt mục tiêu kép.
Theo đó, Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng các KCN, tạo điều kiện thu hút các DN vào đầu tư. Trong đó, trọng tâm là khảo sát, xây dựng phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN. Đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng hạ tầng KCN Gián Khẩu, Khu nhà ở và dịch vụ công nhân KCN Gián Khẩu, xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Phúc Sơn.
Đồng thời, hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính, bảo vệ môi trường, công tác quản lý nhà nước về hoạt động cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại giấy phép xây dựng... một cách nhanh gọn theo cơ chế một cửa tạo điều kiện để các nhà đầu tư sớm đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.
Ông Trần Mạnh Hiển, Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình cho biết: Thời gian qua, Ban quản lý các KCN tỉnh luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất trên cơ sở các quy định của pháp luật, của trung ương, địa phương và quy chế quản lý các KCN để thu hút đầu tư và hỗ trợ DN triển khai thực hiện dự án, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án với tổng số vốn đăng ký là 30 triệu USD, cấp điều chỉnh cho 6 lượt dự án, trong đó có 1 lượt điều chỉnh tăng vốn với mức tăng là 10 triệu USD.
Đến nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có 119 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 64.140 tỉ đồng. Trong đó, có 30 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 600,44 triệu USD tương đương 12.921,4 tỉ đồng.
Đặc biệt, DN trong các KCN đã bị tác động bởi dịch COVID-19, nhiều DN phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất hoặc cắt giảm lao động do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và thiếu chuyên gia nước ngoài.
Đứng trước tình hình đó, Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong các KCN phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là việc hỗ trợ các DN tìm kiếm nguồn lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đưa các chuyên gia, lao động chất lượng cao từ nước ngoài vào làm việc.
"Chúng tôi đã cấp mới, cấp lại 89 giấy phép và gia hạn 29 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài là việc tại các KCN. Đồng thời, rà soát và đề nghị Sở Y tế ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 3.535 lao động tỉnh ngoài đang làm việc tại các DN trong các KCN để tạo điều kiện cho người lao động đi lại thuận tiện" - ông Hiển cho biết.
Nhờ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã dần hoạt động trở lại bình thường, đảm bảo đà tăng trưởng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động.
Xem thêm: odl.452369-ial-ort-gnod-taoh-peihgn-hnaod-cac-ed-tahn-tot-neik-ueid-oat-hnib-hnin/et-hnik/nv.gnodoal