Thông điệp được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gửi đến cộng đồng doanh nghiệp tại lễ kỷ niệm 17 năm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2021) do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức tối 13/10.
Thay mặt chính quyền Thành phố, ông Phan Văn Mãi chúc mừng và gửi lời cảm ơn về sự chia sẻ, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền TPHCM trong suốt thời gian qua, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19. Ngay khi dịch được cải thiện có đến 83% doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, quy mô phục hồi 60%; tại các khu công nghiệp, tỷ lệ quay lại sản xuất là 25% với quy mô gần 18%. Thực tế này thể hiện bản lĩnh kiên cường của doanh nghiệp, không khuất phục mà thích ứng với điều kiện khắc nghiệt nhất trong lịch sử.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng cám ơn các doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ với đồng bào cả nước bằng các hoạt động ủng hộ phòng, chống dịch với chi phí hàng ngàn tỉ đồng. Có thời điểm, TPHCM không mua được trang thiết bị nhưng nhờ doanh nghiệp mà ngành y tế được tiếp cận một cách nhanh chóng.
TPHCM cũng tri ân sự đồng hành, chia sẻ, góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp khi chuẩn bị kế hoạch phục hồi kinh tế.
“TPHCM như một chiếc lò xo đã nén hết mức, đã đến lúc chính quyền TP cùng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng nhau mở nén. Chiếc lò xo khi được mở bật lên như tinh thần của nhân dân Việt Nam, của doanh nhân Việt Nam. Để được điều đó, chúng tôi mong muốn doanh nhân tiếp tục, chia sẻ góp ý, chúng tôi sẽ mở lòng, cầu thị những chia sẻ góp ý của doanh nhân. Chính quyền TPHCM sẽ thi đua với doanh nhân, cầu thị lắng nghe để thực hiện tốt hơn cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ vướng mắc để nhanh chóng, phục hồi kinh tế. Còn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục mạnh mẽ tái cấu trúc, chuyển đổi số, cùng làm tốt hơn để xây dựng TPHCM tiếp tục phát triển đàng hoàng hơn” – ông Phan Văn Mãi đề nghị.
Phấn khích với chương trình phát động thi đua giữa chính quyền và cộng đồng doanh nhân của chính quyền TP, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM bày tỏ, hiệp hội cam kết sẽ gắn kết mạnh mẽ để TPHCM trở nên “khoẻ mạnh” và phát triển bền vững hơn.
Doanh nghiệp đóng góp quan trọng trong hoạt động phòng, chống dịch |
Góp ý để TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp sớm khôi phục sau dịch, GS.TS Nguyễn Đức Khương – Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu cho rằng, tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống, kinh tế... cao gấp đôi so với khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008 – 2009, nhất là đối với các doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát do VCCI thực hiện tháng 9/2021 trên gần 2.000 doanh nghiệp thì có đến 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch bệnh ở mức độ hoàn toàn tiêu cực; 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh (chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan); 87,5% doanh nghiệp trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống dự kiến sụt giảm doanh thu; đại dịch kéo dài khiến doanh thu của 71% doanh nghiệp giảm so với năm 2020.
Trước biến động này, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư số hoá, bao gồm phát triển năng lực kỹ thuật số cho hệ thống doanh nghiệp, số hoá chuỗi cung ứng. Đào tạo lại kỹ năng, triển khai trên quy mô lớn để giải quyết vấn đề gián đoạn sản xuất, cung ứng, và thay đổi việc làm hậu COVID-19 một cách hiệu quả đối với cả doanh nghiệp và người lao động.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi cấu trúc để xây dựng khả năng phục hồi kinh tế và thịnh vượng của công ty. Theo đó, cần có một quy trình quản trị rủi ro rõ ràng, được lồng ghép vào việc ra quyết định và thực thi, mỗi cán bộ nhân viên của doanh nghiệp đều hiểu. “Sự nhanh nhẹn” là khả năng định hình lại chiến lược, cấu trúc, quy trình, con người và công nghệ. Quan tâm đến lao động, sức khoẻ, chất lượng chuyên môn, tâm lý, vào đào tạo thêm các kỹ năng mới. Doanh nghiệp nên đầu tư cho chuyển đổi số như chất lượng hệ thống thông tin, kết nối intenet, các nền tảng phục vụ cho việc làm, quản trị điều hành trong điều kiện dịch bệnh chưa hết. Có thể tham thảo bài học từ Singapore như 5K, làm việc giữ khoảng cách, sắp xếp công nhân vào các nhóm khép kín, chuyển giao cao không tiếp xúc, sử dụng mô phỏng kỹ thuật số để kiểm tra hoạt động và chất lượng. Nên thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để nâng cao tính ưu việt và chất lượng sản phẩm để tiếp cận thị trường (cả cũ lẫn mới), ngay cả các thị trường khó tính nhất, chủ động nguồn nguyên liệu, thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong dài hạn.
Dịp này, UBND TPHCM và UBMTTQ Việt Nam TPHCM đồng tặng bằng khen cho 40 tập thể và 14 cá nhân; tặng huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh cho hai cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong duy trì sản xuất kinh doanh và có đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thanh Hoa