Cơ quan Quản lý Dược phẩm Ấn Độ khuyến nghị sử dụng vắc xin Covid-19 Covaxin của hãng Bharat Biotech để tiêm sử dụng khẩn cấp đối với nhóm trẻ từ 2 – 18 tuổi. Nếu được thông qua, Covaxin sẽ trở thành loại vắc xin Covid-19 đầu tiên được sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi ở Ấn Độ.
Hôm 12/10, Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương (CDSCO) của Ấn Độ cho hay vắc xin Covid-19 Covaxin của hãng dược Ấn Độ Bharat Biotech có thể được tiêm cho trẻ em trong nhóm tuổi từ 2 – 18.
Ấn Độ đẩy mạnh chương trình tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ em. (Ảnh: Reuters) |
Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của Bharat Biotech “đã được CDSCO xem xét và họ đã đưa ra những kiến nghị tích cực”, Reuters dẫn tuyên bố từ hãng dược Bharat Biotech.
Tuy nhiên, Bharat Biotech chưa công khai chia sẻ thông tin về các cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covaxin đối với trẻ em. Hiện tại, Covaxin là loại vắc xin Covid-19 thứ hai được khuyến nghị sử dụng cho đối tượng dưới 18 tuổi ở Ấn Độ sau vắc xin Covid-19 ZyCoV-D của công ty Zydus Cadila.
ZyCoV-D là loại vắc xin dựa trên DNA đầu tiên trên thế giới và có hiệu quả bảo vệ lên đến 66% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên hơn 28.000 tình nguyện viên tại Ấn Độ. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, vắc xin ZyCoV-D mới chỉ được cấp phép tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi.
Trong khi đó, vắc xin Covid-19 Covaxin được sản xuất theo phương pháp bất hoạt truyền thống giống như vắc xin CoronaVac do hãng dược Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Covaxin được tiêm làm 2 liều và mỗi liều cách nhau 28 ngày.
Hồi tháng Bảy, CNN đưa tin theo dữ liệu được hãng dược Ấn Độ Bharat Biotech công bố, vắc xin Covid-19 Covaxin đạt hiệu quả hơn 65% ngăn chặn biến thể Delta.
Vắc xin Covaxin được chính phủ Ấn Độ phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào tháng Một. Vắc xin Covaxin cũng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 16 quốc gia bao gồm Brazil, Philippines, Iran và Mexico.
Cho tới nay, Ấn Độ đã tiêm được khoảng 110 triệu liều vắc xin Covid-19 Covaxin cho người dân. Hãng Bharat Biotech hy vọng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ thông qua và đưa Covaxin vào danh sách vắc xin sử dụng khẩn cấp trên toàn cầu vào cuối tháng 10 này.
Ấn Độ đã triển khai tiêm 960 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân và chủ yếu là dùng vắc xin của hãng AstraZeneca.
Chiến dịch tiêm phòng của Ấn Độ hiện tập trung vào trẻ em sau khi đa phần người trưởng thành đã được tiêm ngừa. Quyết định đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ em được đưa ra khi mà nhiều trường học Ấn Độ đang dần mở cửa trở lại sau 18 tháng dừng hoạt động.
Cuộc sống của người dân Ấn Độ cũng đang dần dần được khôi phục sau khi quốc gia này trải qua làn sóng Covid-19 thứ 2 hồi tháng Tư và Năm, khiến hàng chục triệu người mắc bệnh và hàng trăm ngàn trường hợp tử vong.
Vắc xin ZyCoV-D
Vào ngày 20/8, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 ZyCoV-D của công ty Zydus Cadila với đối tượng tiêm là người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Vắc xin này được đưa vào cơ thể bằng dụng cụ không dùng kim tiêm.
ZyCoV-D còn là vắc xin ngừa Covid-19 sử dụng công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới. Do sử dụng công nghệ dựa trên plasmid DNA, ZyCoV-D có thể được điều chỉnh để đối phó với các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Khi tiêm vào người, vắc xin ZyCoV-D sẽ tạo ra các protein gai như của SARS-CoV-2 để kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch.
Đáng nói, khác với các loại vắc xin Covid-19 đang được sử dụng trên thế giới, vắc xin ZyCoV-D bao gồm 3 liều. Trong đó, liều thứ 2 cách liều đầu tiên 28 ngày và cách liều cuối cùng 4 tuần.
ZyCoV-D là loại vắc xin nội địa thứ 2 được Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp sau Covaxin của hãng Bharat Biotech. ZyCoV-D hiện là loại vắc xin thứ 6 được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ sau Covishield, Covaxin, Sputnik V và Moderna.
Minh Thu (lược dịch)
Infonet
Xem thêm: nhc.25241340141011202-oan-gnah-auc-91-divoc-nix-cav-meit-od-na-me-ert/nv.zibefac