Trong trận Việt Nam thua Oman 1-3 ở vòng loại World Cup 2022, tình huống Al Khaldi ghi bàn từ pha đá phạt góc nâng tỉ số lên 2-1 cho Oman, nếu tổ trợ lý VAR xem lại và yêu cầu trọng tài xem lại có thể từ chối bàn thắng. Vì trước đó cầu thủ của Oman xô đẩy Hoàng Đức và Quế Ngọc Hải ngay sát cột gần cầu môn Văn Toản? Nhưng mặc nhiên, tổ VAR không có chút trao đổi nào với trọng tài Adham Mohammad Tumah.
Bốn trận giai đoạn ba bảng B vòng loại World Cup 2022, tuyển VN bị bốn lần phạt đền. Ảnh: Getty
Trong khi đó, pha đột phá dũng mãnh của Tấn Tài dọc sườn phải rồi sút cầu môn, thủ môn của Oman đẩy bóng ra, gặp đà Tiến Linh băng xuống ghi bàn, trọng tài người Jordan lại được yêu cầu tham khảo VAR về pha va chạm của Tấn Tài trước đó với cầu thủ Oman. Không những soi đi, soi lại rất lâu, tình huống còn kéo đến cả việc Công Phượng có việt vị hay không, quả là rất ức chế cho tuyển VN.
Các tình huống nhạy cảm nó diễn ra như kiểu “nhất bên trọng nhất bên khinh”, trong hoàn cảnh này tất nhiên là thầy trò HLV Park Hang-seo rất ức chế theo kiểu “thấp cổ bé họng” bị o ép vậy.
Song, hai tình huống dẫn đến VN bị phạt đền là không oan. Có thể nói rằng, cầu thủ VN quen ứng xử ở V-League rồi hệ quả là dẫn đến sai lầm. Tình huống thứ nhất dẫn đến phạt đền, Hồ Tấn Tài dùng tay kéo vai một cầu thủ Oman trong vùng cấm (không phải giật chỏ) khi quả bóng ngoài tầm kiểm soát của Tài. Việt Nam chịu phạt đền là không oan.
Rồi tình huống thứ hai, Duy Mạnh “quơ tay trúng má” cầu thủ của Oman dẫn đến phạt đền khi Mạnh đã thoáng nhìn thấy cầu thủ ngay sau lưng mình lao đến cũng chẳng sai. Mạnh đã phạm lỗi rồi. Nếu không có VAR, Mạnh có thể thoát. Nhưng khi có VAR, tình huống có thể ngoài tầm quan sát của trọng tài nhưng không ngoài tầm quan sát của VAR, thế là tuyển Việt Nam dính đòn. Cả lỗi của Tài lẫn Mạnh dẫn đến hai lần bị phạt đền là thói quen “đá không VAR” có thể qua mắt được trọng tài nhưng còn “mắt thần” VAR thì chuyện lại khác và tai họa xảy ra.
Dù thế nào thì tuyển VN cũng phải coi lại thói quen của mình khi tuyển VN bị phạt đền rất nhiều ở sân chơi châu lục. Ảnh: Getty
Bị o ép kiểu này rất ức chế, khi mà nó thiếu sự sòng phẳng qua việc soi VAR với VN rất kỹ nhưng bỏ qua tình huống xô đẩy của cầu thủ Oman từ pha đá phạt góc ăn bàn của Al Khaldi. Đội bóng nhỏ vào sân chơi lớn thường bị o ép mà trọng tài vận dụng luật rất quái.
Qua cái thua uất ức trong các tình huống này, tuyển VN cũng cần hoàn thiện kỷ năng thi đấu khi có VAR. Các tuyển thủ Việt Nam chân tay đừng vung vít, thừa thải, trả đũa bừa bãi nữa. Nếu cầu thủ Việt Nam cứ giữ thói quen “môi trường không VAR” tại V-League thì ra sân chơi quốc tế sẽ trả giá và có cơ sở để bị chèn ép.