Theo tài liệu của Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong năm 2022, đơn vị này sẽ kiểm toán liên quan đến các vấn đề như phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển điện lực; cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo.
Nhiều đơn vị được "gọi tên"
Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo về công tác năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước phục vụ tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.
Theo báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, đơn vị này đã thực hiện kiểm toán 190 cuộc, dự kiến tổ chức thành 211 đoàn kiểm toán. Mặc dù trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, song với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao kiểm toán Nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã có báo cáo chi tiết về một số kiểm toán chuyên đề, trong đó có chuyên đề việc quản lý nguồn nước lưu vực sông MêKông gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra các vấn đề như Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thuộc lưu vực sông MêKông chưa thực hiện đầy đủ Luật Tài nguyên nước 2012.
Phối hợp chưa chặt chẽ với các bộ ngành và các địa phương thuộc lưu vực sông MêKông trong triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, cấp phép khai thác khoáng sản lòng sông chưa đảm bảo quy định.
Hệ thống giám sát tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước chưa hoạt động hiệu quả, công tác theo dõi, kiểm soát thiếu hiệu lực, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sai phạm có thể dẫn đến nguy cơ, rủi ro, tác động tiêu cực tới môi trường, nguồn nước và sức khỏe con người;
Chưa thực hiện đầy đủ quy định của Luật Thủy lợi 2017; chậm thực hiện theo quy hoạch thủy lợi được phê duyệt; chưa triển khai công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ công trình thủy lợi và nuôi trồng thủy sản
Đáng chú ý, cơ quan kiểm toán cũng nêu rõ việc Bộ Công Thương và 3 tỉnh là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum thực hiện lập, ban hành quy hoạch và quản lý, vận hành các dự án thủy điện trên lưu vực sông MêKông chưa chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường, đời sống người dân vùng hạ du và ảnh hưởng đến việc vận hành của các thủy điện khác.
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, quy hoạch không mang tính tổng thể, đồng bộ, không xem xét lập quy hoạch cho cả giai đoạn mà bổ sung quy hoạch riêng lẻ nhiều lần theo đề xuất của UBND tỉnh và nhà đầu tư;
Việc giao đất cho các dự án thủy điện, trồng rừng thay thế chưa được giám sát; công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường không xem xét đầy đủ, toàn diện các tác động của dự án tới môi trường; việc giám sát các thủy điện chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập…
Lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ bị kiểm toán
Báo cáo về lĩnh vực kiểm toán chuyên đề năm 2022, Kiểm toán Nhà nước cho biết dự kiến lựa chọn 25 cuộc kiểm toán chuyên đề, gồm: 4 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng.
Trong đó, sẽ kiểm toán đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro để chấn chỉnh.
Ngoài ra còn có một số chuyên đề về việc phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quản lý, bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng đất trồng rừng, đầu tư trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển điện lực; cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; nước sạch và vệ sinh nông thôn; phát triển đô thị và quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế…
Cũng theo kế hoạch vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội, trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán nhiều dự án đầu tư lớn, được dư luận quan tâm như cao tốc Bắc - Nam phía đông, sân bay Long Thành, dự án chống ngập do triều tại khu vực TPHCM...
Xem thêm: odl.365369-oat-iat-gnoul-gnan-cul-neid-hcaoh-yuq-naot-meik-es-coun-ahn-naot-meik/et-hnik/nv.gnodoal