Nhằm ngăn chặn việc bị cáo buộc giúp khủng bố và các nhóm cực đoan lan truyền, Facebook đã xây dựng một danh sách dài qua nhiều năm các tổ chức và cá nhân bị cấm trên mạng xã hội này. Một phần danh sách và chính sách chi tiết đã được báo The Intercept đăng tải và gây những phản ứng trái chiều nhất định.
Danh sách này bắt nguồn từ năm 2012, khi Facebook cấm các tổ chức khủng bố hoặc hoạt động tội phạm trên mạng xã hội này, nhằm phản ứng lại một số báo động từ Quốc hội Mỹ về nguy cơ khủng bố tuyển quân và tuyên truyền trên Internet.
Kể từ đó, lệnh cấm này đã được phát triển thành chính sách Cá nhân và Tổ chức Nguy hiểm (DIO) - một tập hợp các giới hạn về phát ngôn và hoạt động mà gần 3 tỷ người dùng trên toàn thế giới phải tuân theo.
Trong những năm gần đây, chính sách DIO đã được sử dụng thường xuyên hơn, khi mà càng ngày ảnh hưởng của Facebook càng lớn và càng nhiều bất ổn chính trị và xã hội lan tỏa trên mạng xã hội này, như vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 hay biến động chính trị tại Myanmar.
Tuy nhiên, danh sách đầy đủ các cá nhân và tổ chức bị cấm hoặc hạn chế theo từng mức độ chưa bao giờ được Facebook công khai, mặc dù nhiều tổ chức vận động và thậm chí cả Ủy ban Giám sát độc lập của Facebook đã yêu cầu cần công bố danh sách. Tuy nhiên, mới đây một phần danh sách này, kèm theo chính sách quản lý DIO của Facebook đã được tiết lộ và công bố.
3 cấp độ trong danh sách DIO
Danh sách DIO liệt kê hàng ngàn cá nhân và tổ chức được xếp loại theo hoạt động, bao gồm tội phạm, khủng bố, hoạt động và phát biểu thù hận, phong trào xã hội quân sự hóa, và đối tượng bạo lực phi nhà nước. Các nhóm nêu trên tiếp tục được phân thành 3 cấp độ khác nhau theo chính sách mới của Facebook vào tháng 6 vừa qua, với các mức quản lý và xử phạt tương ứng.
Dù ở cấp độ nào đi nữa, không tổ chức hay cá nhân nào trong danh sách DIO được tồn tại trên các nền tảng của Facebook và người dùng cũng không được tự cho mình là đại diện của các tổ chức có tên. Các cấp độ đóng vai trò quyết định người dùng được phát ngôn như thế nào về các tổ chức và cá nhân này.
Ở cấp 1, người dùng Facebook không được phép ca ngợi hoặc ủng hộ đối tượng trong danh sách, kể cả với hành động phi bạo lực. Cấp 1 bao gồm các tổ chức khủng bố, tội phạm và hoạt động thù hận cùng các thành viên.
Ở cấp 2, người dùng có thể ủng hộ các hoạt động phi bạo lực, nhưng không được phát ngôn “ủng hộ đáng kể” bản thân các đối tượng có tên. Cấp 2 bao gồm các đối tượng bạo lực phi nhà nước.
Ở cấp 3, người dùng có thể tự do phát ngôn về các đối tượng trong danh sách. Cấp 3 bao gồm các phong trào xã hội có tính quân sự; các nhóm này chưa có hành động bạo lực nhưng thường xuyên có phát biểu thù hận, có khả năng cao gây bạo lực hoặc liên tiếp vi phạm chính sách DIO.
Theo The Intercept, các đối tượng khủng bố chiếm 53,7% danh sách DIO, theo sau là các phong trào xã hội có tính quân sự (23,3%), tổ chức và cá nhân hoạt động thù hận (17%), tội phạm (4,9%), và đối tượng bạo lực phi nhà nước (1%).
Một số chuyên gia và nhà bình luận cho rằng danh sách DIO của Facebook đã đi quá sát với chính sách đối ngoại của Chính phủ Mỹ, cụ thể qua việc nhiều tổ chức có tên ở cấp 1 được lấy từ ngân hàng dữ liệu của chính phủ và một số danh sách gây tranh cãi.
Thêm vào đó, một số người cho rằng danh sách này nhẹ tay với các nhóm thể hiện tư tưởng cực hữu và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hơn so với mức độ nguy hiểm mà cơ quan an ninh Mỹ trước đó xác định. Cũng tồn tại một số đối tượng không hề được cho là có hành vi bạo lực hay thù hận, nhưng vì có liên quan đến đối thủ địa chính trị của Mỹ nên vẫn có tên trong danh sách DIO.
Phản ứng lại các bình luận trên, phía Facebook nói rằng công ty này sử dụng kỹ càng các tiêu chí nhằm phân loại các tổ chức và cá nhân có tên. Thêm vào đó, Facebook cho rằng danh sách DIO cũng mang tính toàn diện và chi tiết hơn danh sách của nhiều quốc gia, nhờ có sự cố vấn của các học giả và chuyên gia độc lập.
Vấn đề trong áp dụng chính sách quản lý
Tuy Facebook có công khai chính sách quản lý nội dung giản lược của mình, chính sách và quy trình quản lý trong nội bộ Facebook thực tế lại vô cùng phức tạp, với nhiều ví dụ, giả thuyết và cơ sở xử lý các nội dung khó phân biệt.
Đội ngũ quản lý và điều hành nội dung toàn cầu của Facebook sẽ phải dùng hướng dẫn nội bộ nhằm xác định các nhóm và cá nhân có trong nội dung người dùng đăng tải, xác định thái độ của bài đăng và quyết định xử lý cùng với các hệ thống lọc tự động kiểm duyệt nội dung.
Theo một người điều hành làm việc bên ngoài nước Mỹ, quyết định tính chất nội dung và xử lý là một cuộc chiến không hồi kết. Bản chất của thông tin và phát ngôn nói chung nhiều lúc dựa vào ngữ cảnh, và do đó người kiểm duyệt sẽ mất nhiều công sức xem xét và quyết định ngữ cảnh của nội dung đăng lên có đủ phù hợp hay không.
Thêm vào đó, quyết định xử lý nội dung của những người điều hành cũng được đem ra so sánh, làm chồng chất thêm khó khăn khi họ sẽ phải suy nghĩ đến việc những người khác sẽ kiểm duyệt nội dung như thế nào.
Những thách thức về kiểm duyệt nội dung càng trở nên lớn hơn khi được đặt vào bối cảnh các cuộc biểu tình hoặc biến động chính trị-xã hội ở một số nước. Faiza Patel, một chuyên gia từ tổ chức Trung tâm Brennan Vì Công lý, cho rằng có các tổ chức trong danh sách DIO đóng vai trò quan trọng trong thực tế chính trị-xã hội ở những quốc gia nhất định, và do đó kiểm duyệt toàn bộ nội dung mang tính “ủng hộ” họ sẽ gây tổn hại đến dư luận. Các bình luận về tình hình địa chính trị hay quân sự cũng trở thành đối tượng khó kiểm soát theo hướng dẫn của Facebook.
Tùng Phong (Theo The Intercept)