Chủ đề ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm nay là “Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững – Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn”, nhằm truyền tải ba thông điệp chính: Thứ nhất, tiêu chuẩn cung cấp những giải pháp để giải quyết các thách thức liên quan đến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); thứ hai, tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên sự hợp tác - thế giới không thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững một cách đơn độc; cuối cùng, tiêu chuẩn có thể giúp chúng ta gây dựng mọi thứ trở lại tốt đẹp hơn - COVID-19 đã làm gia tăng tính cấp thiết phải đạt được các SDG.
Hưởng ứng thông điệp này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về những đóng góp của tiêu chuẩn đối với các Mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, kêu gọi các bên cùng hợp tác, chia sẻ tầm nhìn chung để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, trong đó mỗi cá nhân, tổ chức phải cùng tham gia, đồng hành để đất nước có thể nhanh chóng khôi phục lại mọi thứ tốt đẹp hơn sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn: “Tiêu chuẩn mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế và xã hội”.
Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn là một công cụ chiến lược giúp các công ty giải quyết những thách thức, đòi hỏi khắt khe nhất trong kinh doanh hiện đại và đảm bảo hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới.
Đối với người tiêu dùng, khi sản phẩm, dịch vụ tuân thủ được các tiêu chuẩn, thì người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng sản phẩm, dịch vụ đảm bảo về độ tin cậy và có chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
Tiếp nối những nhận định trên, ông Nguyễn Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Bộ Khoa học và Công nghệ đồng tình: “Tiêu chuẩn khu vực đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, giúp đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là công cụ quản lý kỹ thuật phổ biến hiện nay, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phù hợp thông lệ quốc tế”.
"Do vậy, càng vào sân chơi lớn, càng phải tuân thủ những tiêu chuẩn chung của thế giới", ông Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh.
Thông qua áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, người tiêu dùng cũng được bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi được người bán, người sản xuất, nhập khẩu cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt đối với những mặt hàng có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe tính mạng đối với người tiêu dùng.
Hơn nữa, tiêu chuẩn cũng phản ánh nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng hoặc phản ánh các yêu cầu về mặt công nghệ của những nhà công nghiệp.
Về vấn đề này, bà Vũ Thị Tú Quyên - Phó vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế cho biết: “Tiêu chuẩn ngày các đáp ứng nhiều yêu cầu thậm chí còn chưa xuất hiện, còn mang tính viễn tưởng. Theo cá nhà tiêu chuẩn trên thế giới, tiêu chuẩn hiện tại không phải tài liệu cố định bằng văn bản, mà là tài liệu mở, có sự đa dạng hoá hơn như hình thức video, mã QR, đáp ứng sự phát triển khoa học và công nghệ của thời đại”.
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, chúng ta đã tham gia vào một hành trình Ngày Tiêu chuẩn Thế giới kéo dài nhiều năm, năm nay Lễ kỷ niệm được tổ chức với mục tiêu cùng nhau hợp tác đẩy nhanh Chương trình nghị sự 2030, với các tiêu chuẩn phục vụ SGD và 'Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn'.
Lễ kỷ niệm cũng là dịp để cơ quan tiêu chuẩn quốc gia chia sẻ về định hướng phát triển hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ nay đến 2030, trong đó bao gồm: Xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến 2030; Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, gắn với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; và tăng cường các nguồn lực tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Qua đó, thể hiện nhiều cách thức mà các tiêu chuẩn quốc tế đóng góp vào sự thành công của các Mục tiêu Phát triển Bền vững.