Hải Phòng đã sửa quy định nhưng một số điểm vẫn "gắt" - Ảnh: TIẾN THẮNG
Tối 14-10, TP Hải Phòng ban hành quy định mới để sửa hướng dẫn ban hành trưa cùng ngày được cho là trái với nghị quyết 128 của Chính phủ. Hướng dẫn mới cho biết người đến Hải Phòng không cần trình xét nghiệm âm tính.
Tuy nhiên, quy định cách ly thì vẫn trái với hướng dẫn của Bộ Y tế và quá với yêu cầu không cát cứ, cục bộ trong nghị quyết 128. Cụ thể, người ở các tỉnh, thành phố, khu vực có nguy cơ rất cao (vùng đỏ và cam) đã được công bố khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng phải cách ly tại nhà 7 ngày khi đến Hải Phòng, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Người đã tiêm đủ liều vắc xin cách ly tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7, tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7 khi kết thúc cách ly, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo.
Người chưa tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã tiêm đủ liều nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14.
Với người đến từ các vùng vàng và xanh, dù đã tiêm đủ liều vắc xin, Hải Phòng cũng yêu cầu cách ly tại nhà. Trong khi quy định của Bộ Y tế yêu cầu tự theo dõi sức khỏe, chỉ cách ly người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, thời gian cách ly ngắn hơn yêu cầu của Hải Phòng.
Người vào Hải Phòng không cần phải trình giấy xét nghiệm nhưng sẽ phải cách ly hoặc theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm tùy theo việc đến từ vùng nguy cơ nào - Ảnh: TIẾN THẮNG
Tỉnh Nam Định cũng vừa họp và cho biết "tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với người ngoài tỉnh về Nam Định".
Tỉnh Phú Thọ có hướng dẫn mới, yêu cầu duy trì hoạt động 10 chốt kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh, tạm thời dừng hoạt động của 11 chốt. Khi qua chốt kiểm soát dịch, người đến/về từ vùng xanh và vàng thực hiện khai báo y tế.
Từ vùng cam và vùng đỏ khai báo y tế và phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong 72 giờ.
Trong trường hợp người qua chốt có các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng nghi ngờ, phải được thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại chốt kiểm soát dịch, kể cả khi đã có giấy xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ.
Trong khi hướng dẫn thực hiện nghị quyết 128 của Bộ Y tế chỉ hướng dẫn chỉ định xét nghiệm với người đến từ vùng đỏ.
TP.HCM thống nhất đề xuất cho 2 trường ở Cần Giờ học lại từ 20-10
Ngày 14-10, Sở Y tế TP.HCM, Sở Giáo dục - đào tạo cùng UBND huyện Cần Giờ đã thống nhất đề xuất cho các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 thuộc Trường tiểu học Thạnh An và THCS - THPT Thạnh An thí điểm dạy học trực tiếp vào ngày 20-10.
Đối với các em học sinh của các trường còn kẹt lại ở các tỉnh, thành khác theo quy định chống dịch, chưa trở về địa phương sẽ tiếp tục tổ chức học trực tuyến cho các em.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng đề nghị trước mắt các khối 1, 2, 6, 9, 12 đi học trước, nhà trường cũng cần bổ sung phương án khi học sinh các khối khác đi học. Việc tổ chức học cần được đánh giá lại sau 2 tuần thực hiện để điều chỉnh các phương án phù hợp với tình hình.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần đẩy mạnh truyền thông đến phụ huynh và học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, công tác phối hợp với trường; hướng dẫn học sinh cách đeo, tháo khẩu trang đúng cách; quy trình xử lý khi phát hiện F0.
Đoàn kiểm tra đề nghị các trường hoàn chỉnh lại nội dung phương án phòng chống dịch theo góp ý để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất khi đón học sinh trở lại. Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tham gia hỗ trợ góp ý chuyên môn cho các phương án vì đây là mô hình thí điểm của TP.
Lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch tham quan du lịch tại huyện Cần Giờ, TP.HCM ngày 2-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bổ sung nhóm người lao động khó khăn do dịch được nhận hỗ trợ
Chính phủ vừa có nghị quyết 126 bổ sung người lao động khó khăn được nhận hỗ trợ. Người làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến trước khi ngừng việc được hỗ trợ 3 mức:
- 1 triệu/người, nếu thời gian ngừng là 14 ngày,
- 15 ngày liên tục trở lên mức 1.855.000 đồng/người,
- Từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.
Nhóm được hỗ trợ bổ sung gồm:
- Phải điều trị COVID-19;
- Không thể đến nơi làm việc do giãn cách theo chỉ thị số 16;
- Doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoặc trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16;
- Bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch.
Nghị quyết mới cũng bổ sung người cao tuổi, người khuyết tật, người khuyết tật nặng phải điều trị COVID-19 hoặc phải cách ly y tế mức 1 triệu/người.
TTO - Trong 24 giờ qua cả nước ghi nhận 3.092 ca nhiễm mới, trong đó TP.HCM lần đầu xuống dưới 1.000 ca trong 1 tháng qua. Trong ngày 14-10, thêm 719 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, đưa tổng số ca khỏi lên 788.005 ca.