Trước đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã có công văn số 61/HHBH/2021, tố giác khách hàng N.V.Khánh (Hải Phòng) lên Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công An.
"Chúng tôi có những bằng chứng cho thấy N.V.Khánh đã biết trước mình bị K tuyến giáp (vì trước đó Khánh giả danh xưng tên là "Khanh" đã đến khám tại khoa bệnh dịch vụ Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, tại đây cho kết quả Khánh bị K tuyến giáp). Ngay sau đó chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020) Khánh che dấu việc mình đã bị bệnh để mua 19 hợp đồng bảo hiểm sức khoẻ mức cao nhất (theo đó, mỗi năm Khánh phải đóng trên 200 triệu đồng tiền phí bảo hiểm) tại 13 doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm khi đã hợp pháp hoá hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại bệnh viện K Hà Nội", văn bản của Hiệp hội bảo hiểm nêu rõ.
Sau khi nhận được tin báo tố giác, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành điều tra, xác minh.
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến vụ "1 khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm". (Ảnh: LSCC/Dân Việt)
Trong văn bản thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm được ký ngày 11/10/2021, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự. Thông báo này được gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bên tố giác và người bị tố giác biết.
Được biết, bên tố giác gồm 13 công ty bảo hiểm có cả nhân thọ và phi nhân thọ như Bảo hiểm Bảo Việt, Liberty, VBI, Prudential, Dai-ichi, Aviva, MB Ageas, Cathay, Generali. Sau khi mua bảo hiểm hơn 3 tháng, ông N.V.Khánh đã được Prudential, MB Ageas, Bảo hiểm Bảo Việt và VBI chi trả số tiền bảo hiểm gần 4 tỷ đồng.
Hiệp hội bảo hiểm cho rằng nếu không kịp thời điều tra làm rõ và ngăn chặn hành vi gian dối, trục lợi của khách hàng thì các công ty bảo hiểm còn lại sẽ phải tiếp tục chi trả số tiền bảo hiểm ước tính lên tới 20 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.
Trả lời trên tờ Dân Việt, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Quốc Tuấn cho biết, trục lợi bảo hiểm được hiểu là hành vi gian dối, lừa dối có mục đích cố ý, nghĩa là ngay từ khi khai báo hồ sơ yêu cầu bảo hiểm đã che dấu thông tin của mình, hành vi này nhằm chiếm nhận số tiền bồi thường bảo hiểm của công ty, doanh nghiệp mà lẽ ra họ không được nhận.
Luật sư Tuấn nhận định, nếu như Hiệp hội Bảo hiểm - bên tố giác cho biết đã cung cấp thông tin và bằng chứng cho thấy ông Khánh đã biết trước mình bị ung thư tuyến giáp, bằng cách giả mạo thông tin nhân thân để khám tại bệnh viện và nhận được kết quả chẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp. Nếu đúng, đây sẽ là một trường hợp của trục lợi bảo hiểm.
Ông Tuấn cũng lưu ý thêm, trong sự việc này cơ quan điều tra cần làm rõ có hay không "bàn tay" tư vấn của tư vấn viên hay đại lý bảo hiểm trong việc giấu bệnh, khai và điền hồ sơ yêu cầu bảo hiểm không trung thực của khách hàng. Trong trường hợp này, toàn bộ số tiền chiếm đoạt đều bị tịch thu, trả lại cho bị hại hoặc sung vào công quỹ theo quy định của pháp luật, (cơ quan tiến hành tố tụng và tòa án quyết định).
Cũng theo luật sư, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã hình sự hóa đối với hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được quy định, hướng dẫn tại Điều 213 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó, mức phạt tù cao nhất là 7 năm đối với cá nhân, còn pháp nhân thì xử phạt mức tối đa là 7 tỷ đồng và cấm kinh doanh đến 3 năm.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị