Trong ngày 14-10, lãnh đạo các địa phương đã giao cho các cơ quan tham mưu xây dựng dự thảo về việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT.
Dự kiến hôm nay, các địa phương sẽ ban hành chính thức để áp dụng phù hợp cho từng địa bàn và thống nhất với hướng dẫn của trung ương.
Đà Nẵng gần như mở hết tất cả hoạt động
Ngày 14-10, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết đã giao các cơ quan liên quan đề xuất dự thảo quy định các biện pháp hành chính phù hợp, đúng quy định theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết địa phương thống nhất đánh giá Đà Nẵng ở cấp độ 2 về nguy cơ dịch bệnh.
Người dân Đà Nẵng dọn dẹp hàng quán chuẩn bị buôn bán trở lại.
Ảnh: HẢI HIẾU
Dự kiến từ 0 giờ ngày 16-10, TP Đà Nẵng gần như mở hết tất cả hoạt động, chỉ tiếp tục dừng các hoạt động cơ sở kinh doanh làm đẹp, dịch vụ tiếp xúc gần như vũ trường, karaoke, massage.
Đáng chú ý là cho phép phục vụ ăn uống tại chỗ nhưng không quá 50% công suất của cơ sở. Các phòng tập gym, yoga, bida cũng được hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, các cơ sở muốn hoạt động trở lại đều phải có thiết bị quét mã QR, có phương án phòng chống dịch. Người dân tham gia các hoạt động phải tuân thủ quy tắc 5K và các biện pháp phòng chống dịch.
“Tất cả đơn vị phải có thiết bị và bộ phận để quét mã QR để khi có tình huống xảy ra thì chúng ta có thể truy vết nhanh nhất, thuận lợi. Các điều kiện của người dân khi tham gia phải tuân thủ nghiêm túc 5K. Các nội dung liên quan sẽ có trong văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng nhìn chung, khi chúng ta ở cấp độ 2 thì theo quy định của Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế thì chúng ta sẽ được mở lại nhiều hoạt động” - bà Yến nói.
Đà Nẵng đã qua 14 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, tất cả 56/56 xã, phường trên toàn TP đã trở thành vùng xanh. Đà Nẵng cũng đã đạt 95% người dân trong độ tuổi từ 18 đến 65 tuổi được tiêm vaccine.
Tỉnh An Giang đã yêu cầu chốt Vàm Cống cho các phương tiện vận tải hàng hóa (đã đăng ký luồng xanh), tài xế và người đi cùng đã tiêm mũi 2 vaccine (qua 14 ngày) và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng kỹ thuật PCR hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế được vào tỉnh. |
Các tỉnh, thành ĐBSCL gấp rút triển khai
Ngày 14-10, trao đổi với PV, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết: Ngay tối 13-10, TP Cần Thơ đã họp xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. “TP Cần Thơ giao cho Sở Y tế và Văn phòng UBND tham mưu cho UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trong thời gian sớm nhất” - ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, UBND TP Cần Thơ sẽ phải họp và xin ý kiến của Thành ủy, ban chỉ đạo. Trong ngày 15-10, Thành ủy tổ chức một cuộc họp để nghe các báo cáo. “Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo TP về phòng chống dịch, chúng tôi sẽ hoàn thiện để ký ban hành kế hoạch chính thức” - ông Hiển cho hay.
Ông Hiển cũng thông tin dự thảo kế hoạch có nhiều nội dung mới. “Nhiều điểm khác lắm! Nói chung là phải bỏ hết các chỉ thị, bỏ một phần Nghị quyết 86, bỏ tinh thần các chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ” - ông Hiển nói.
Còn ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết trên cơ sở Nghị quyết 128 của Chính phủ và những hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế, tỉnh sẽ có chỉ đạo các nội dung cụ thể đối với các hoạt động trên địa bàn tỉnh. “Dự kiến các nội dung áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ tại tỉnh sẽ được thảo luận và thống nhất tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh vào ngày 15-10” - ông Tam nói.