vĐồng tin tức tài chính 365

Sài Gòn - những vòng xoay ký ức - Kỳ 6 : Công trường Mê Linh và đại lộ giàu sang

2021-10-15 11:47
Sài Gòn - những vòng xoay ký ức - Kỳ 6 : Công trường Mê Linh và đại lộ giàu sang - Ảnh 1.

Cuối đại lộ Tôn Đức Thắng, từ cột cờ Thủ Ngữ nhìn sang tòa nhà Hải quan vừa được tu sửa - Ảnh: PHÚC TIẾN

Từ công trường này đến cột cờ Thủ Ngữ là cả một đại lộ thanh lịch và giàu sang, văn hóa.

Xa khơi sóng vang dạt dào

Tôi tìm đến Công trường Mê Linh là tìm đến ký ức tuổi thơ - những buổi chiều chủ nhật mẹ cho anh em tôi ra chơi ở đây. Giữa công trường là chiếc hồ bán nguyệt xinh xắn và tượng đài Trần Hưng Đạo uy nghi. 

Ngày ấy, đám con nít chạy nhảy tung tăng bên hồ nước tràn đầy hoa súng đỏ. Trên tay là những chiếc bong bóng và chiếc chong chóng đủ màu. Ai đấy còn đem đến những con diều to để thả tung bay trên bầu trời. Lúc đó, vẫn chưa có những tòa nhà chọc trời sáng choang, mọc san sát quanh công trường. 

Tuy nhiên, ngay đến bây giờ, khi đứng bên hồ bán nguyệt, ta đều có thể thưởng ngoạn một không gian kỳ thú trời-mây-nước giao hòa.

Phía đường Ngô Đức Kế, xa xa nổi lên nóc nhà hình quả chuông khổng lồ của khách sạn Grand. Còn phía đường Hai Bà Trưng, khung cảnh êm đềm, hai dãy phố thấp tầng, chưa mọc lên cao ốc. Phía giáp ranh vòng xoay có vài ngôi biệt thự xinh xắn nằm im dưới bóng cây. 

Xe cộ từ nhiều hướng nhộn nhịp qua lại nhưng khung cảnh công trường luôn mang vẻ bao la và thanh bình. Vậy mà với chúng tôi thời đó, điều hấp dẫn nhất lại là bến tàu đối diện tượng đài, nơi ngón tay huyền thoại của Đức Thánh Trần đang chỉ hướng.

Ngày xưa ngày xửa, phía trước công trường trải dài đến xưởng Ba Son là bến tàu chiến có từ thời nhà Nguyễn. Lần đầu tiên ra đây, những năm đầu 1970, tôi sững sờ trông thấy những chiến hạm đồ sộ bỏ neo bên bến. Trên các tàu đều có những khẩu đại bác lớn nhỏ, đầy vẻ hùng dũng. 

Từ lúc ấy, thằng nhóc của mẹ tôi si mê tàu chiến. Mỗi dịp Trung thu, thằng nhóc vòi mua lồng đèn chiến hạm để chơi chứ không chịu lồng đèn con cá hay con bướm. Cậu nhỏ thích ra bến tàu, thích lắc lư theo bài hát Hành khúc hải quân sôi nổi của Văn Cao: Xa khơi sóng vang dạt dào, mênh mông sóng va thân tàu.

Ôi, có lẽ những giấc mơ hải hồ, những giấc mơ Bạch Đằng giang đã chớm nở trong những đứa trẻ được dạo chơi trên Công trường Mê Linh và bến Bạch Đằng. Những năm đầu 2000, tôi thường đưa các con tôi ra đây để tiếp nối những giấc mơ này. 

Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn trông thấy những con tàu hải quân nằm đậu nơi đây và ở xưởng Ba Son. Rất tiếc những năm gần đây, hiếm thấy tàu hải quân ở bến Bạch Đằng. Tôi thầm ước một ngày không xa, hằng năm những con tàu chiến hiện đại, kể cả tàu ngầm tối tân của Việt Nam, có nhiều dịp tập hợp ở bến tàu trước tượng đài Trần Hưng Đạo. 

Người dân thành phố, nhất là trẻ em, sẽ được thỏa thích ngắm nhìn hạm đội anh hùng mà không phải ra các bến cảng xa. Còn các chiến sĩ hải quân trước khi ra khơi bảo vệ biển đảo Tổ quốc, sẽ luôn khắc ghi trong lòng hình ảnh danh tướng anh hùng và Sài Gòn thân thương!

Khách sạn Nổi lịch lãm thời mở cửa

Từ năm 2017, một phần của bến tàu chiến đã trở thành bến Saigon Water Bus. Nhiều lần tôi và gia đình háo hức xuống tàu từ đây để đi dọc dòng sông lên phía thượng lưu vùng Thủ Đức. 

Đường vào bến Water Bus thênh thang có hàng cột trắng quý phái. Sảnh đón là một kiến trúc hình vuông lợp ngói đỏ. Chiếc sảnh này và con đường cong cong cho xe ra vào, chính là dấu tích của khách sạn Nổi - The Floating hotel, một hình tượng lịch lãm của thời kỳ Sài Gòn và đất nước mới mở cửa.

Khách sạn Nổi là một tòa nhà bằng thép 6 tầng sơn trắng, đặt trên một sà lan siêu lớn, được chế tạo tại Úc. Năm 1989, khách sạn cập bến Sài Gòn, hoạt động gần 10 năm trước khi dời sang nước khác. Nghề báo đưa tôi đến khách sạn Nổi dự nhiều cuộc họp báo, tiếp tân và gặp gỡ các nhà ngoại giao, cũng như doanh nhân nước ngoài. 

Ở đây, tôi đã thử ly cà phê Columbia đầu tiên lạ lẫm và học nghề phỏng vấn, đưa tin các sự kiện quốc tế với các thầy của Hãng tin Reuters. Có những lần chuyện trò với khách bên hồ bơi ngoài trời mà đầu óc chàng phóng viên bỗng dưng lãng đãng khi thấy... mấy "cô đầm" mặc bikini nằm sưởi nắng trên những chiếc ghế dài trắng muốt.

Khách sạn Nổi là khách sạn năm sao đầu tiên ở Việt Nam, một địa chỉ thượng lưu bậc nhất thời đó. Nơi đây cũng là lò đào tạo nhiều nhà quản lý cho các doanh nghiệp du lịch và công ty lớn sau này. 

Gần khách sạn Nổi, vài năm sau có thêm một quán ăn "rất Tây" đặt trên một tàu gỗ lớn, mang tên là Hammock - Chiếc Võng. Không gian của quán hoàn toàn thoải mái, thư giãn, khác với vẻ cao sang của khách sạn năm sao. 

Chiếc Võng còn là chỗ hẹn hò bồng bềnh bên sông của nhiều cặp đôi muốn tìm chỗ yên ắng ngay giữa trung tâm thành phố.

Sài Gòn - những vòng xoay ký ức - Kỳ 6 : Công trường Mê Linh và đại lộ giàu sang - Ảnh 2.

Tượng đài Trần Hưng Đạo trên Công trường Mê Linh và bến phà Thủ Thiêm những năm cuối 1960 - Ảnh sưu tập của nhà báo Phạm Công Luận

Đại lộ lịch sử

Thật tương phản, kế bên khách sạn Nổi lộng lẫy lại là một bến phà bình dân. Nó mang tên là bến phà Cây Bàng, còn gọi là bến phà Thủ Thiêm. Nguyên sơ đây là bến đò có từ thế kỷ 18, chuyển thành bến phà hiện đại đầu thế kỷ 20. 

Nhiều người dân Sài Gòn, trước và sau 1975, vẫn nhớ những chiếc phà nhỏ sơn trắng lem luốc, có hai tầng cửa sổ vuông vắn, đông chật người và xe máy. Trông từ xa, chúng giống như chiếc thuyền giấy mong manh, nhẫn nại chở khách lui tới hai bên bờ. 

Mãi đến sau 1996, bến phà Thủ Thiêm mới có thêm phà lớn chuyên chở cả xe hơi. Chuyến phà cuối cùng đã chia tay người dân Sài Gòn vào đúng 10 năm trước khi cầu Thủ Thiêm vừa xây dựng xong.

Hiện tại, dọc bờ sông từ Công trường Mê Linh trở đi là một dải công viên, xen kẽ với các bến tàu cao tốc hiện đại. Thời Pháp mỗi bến đều có tên riêng, sau năm 1955 gọi tên chung là bến Bạch Đằng. Trong khi ấy, bên kia đường là một loạt khách sạn và cao ốc văn phòng cũ mới. 

Từng tòa nhà kiểu dáng cổ điển hay hiện đại đều có lai lịch kỳ thú. Chẳng hạn, địa điểm khách sạn Liberty Central Riverside - nguyên là trụ sở của Hãng cơ khí CARIC nổi tiếng thời Pháp. Còn tòa nhà Riverside Hotel kề bên vốn là trụ sở Công ty Cung ứng tàu biển. Vào những năm 1950, Hãng hàng không Air Vietnam ra đời, đặt trụ sở tại đây.

Ngược về xa hơn, vào thế kỷ 17-18, khu vực bến Bạch Đằng từng có Thủy Các - nơi nghỉ ngơi, Lương Tạ - nơi tắm và Bến Ngự - bến thuyền của vua. Cuối đường, ở vị trí tòa nhà dang dở Saigon One Tower hiện tại, thời nhà Nguyễn là Công Quán, sau đấy là Nha Thương Cảng. 

Kế đến, cột cờ Thủ Ngữ và Nhà Hải quan là hai công trình xây dựng vào khoảng năm 1863, vừa được trùng tu. Nếu hai kiến trúc yêu kiều ấy trở thành Bảo tàng Hàng hải và giao thương thì khu vực bến Bạch Đằng càng thêm nhiều điều lý thú, hấp dẫn giới trẻ và du khách...

Hãy giữ gìn và tôn tạo đúng cách Công trường Mê Linh và đại lộ dọc bờ sông đẹp nhất Sài Gòn để nơi chốn này luôn ngân vang nhịp điệu bất hủ của nhạc sĩ Y Vân: Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai, từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay, nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này...

--------------------------

Hiếm thấy nơi nào ở Sài Gòn có ba giao lộ kế cận, tạo thành một tam giác xếp thứ hạng gần nhau, giống như ba anh em ruột thịt. Đó là ngã sáu Cộng Hòa, ngã sáu An Dương Vương và ngã bảy Lý Thái Tổ. Khu vực này là vùng mở rộng đầu tiên của Sài Gòn về phía Chợ Lớn.

Kỳ tới: Ngã sáu Cộng Hòa và con đường áo trắng

Sài Gòn - vòng xoay ký ức - Kỳ 5: Bùng binh Bến Thành và phố cổ trăm nămSài Gòn - vòng xoay ký ức - Kỳ 5: Bùng binh Bến Thành và phố cổ trăm năm

TTO - Bùng binh Bến Thành - Công trường Quách Thị Trang thể hiện sinh hoạt đời thường huyên náo. Cái bùng binh mênh mông ấy quy tụ bảy con đường là Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lai, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.

Xem thêm: mth.68085739141011202-gnas-uaig-ol-iad-av-hnil-em-gnourt-gnoc-6-yk-cu-yk-yaox-gnov-gnuhn-nog-ias/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sài Gòn - những vòng xoay ký ức - Kỳ 6 : Công trường Mê Linh và đại lộ giàu sang”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools