Theo đó, Bộ yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt và đơn vị tư vấn phải phân tích rõ sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; hiện trạng khu vực thực hiện dự án; ảnh hưởng tác động về vận tải dự án có liên quan (không nêu thông tin chung các dự án liên quan).
Các đơn vị nêu trên cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện số liệu dự báo, có đối chứng với số liệu dự báo của các địa phương đang lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh (TPHCM, Đồng Nai) để bảo đảm tính đồng bộ.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải lưu ý cần về tiêu chuẩn áp dụng cho dự án đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành, bổ sung phân tích, luận chứng so sánh, lựa chọn khung tiêu chuẩn áp dụng đồng thời bổ sung phân tích, luận chứng khoa học (bao gồm định tính và định lượng) trong việc đề xuất lựa chọn tốc độ (vận tốc tối đa 80km/giờ; vận tốc khai thác 60km/giờ).
Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của địa phương để rà soát, đối chiếu phương án hướng tuyến, ga với các quy hoạch của địa phương, làm rõ khả năng bố trí quỹ đất cho dự án (đặc biệt tại khu quy hoạch quỹ đất thích hợp tại các khu vực ga đường sắt để phát triển các đô thị…) bảo đảm tính khả thi của phương án đề xuất.
Phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải làm rõ sự phù hợp của phương án hướng tuyến (chiều dài khoảng 42km chính tuyến, khoảng 10km tuyến nhánh) với hướng tuyến theo quy hoạch mạng lưới đường sắt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (chiều dài tuyến khoảng 38km).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến nên được nghiên cứu vấn đề kết nối với mạng lưới đường sắt quốc gia để phát huy công năng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm việc nghiên cứu dự án cần được xem xét một cách toàn diện nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền trong năm 2024.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành có thiết kế đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, đi qua địa phận TPHCM và tỉnh Đồng Nai với điểm đầu ga Thủ Thiêm, điểm cuối ga Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Toàn bộ tuyến dự kiến đi trên cao bao gồm 19 ga trên cao. Tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỷ đồng theo phương thức PPP, lộ trình đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.