Trong vụ án liên quan bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân (tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố tội tham ô tài sản.
Trương Huệ Vân được giao điều hành nhiều công ty trong "đế chế" Vạn Thịnh Phát
Vì là cháu ruột của Trương Mỹ Lan nên Trương Huệ Vân được bà Lan tin tưởng giao đứng tên cổ phần, vốn góp, tham gia quản lý, điều hành nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh trong "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát".
Các chức vụ mà Vân tham gia như: tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Eurasia Concept và điều hành hoạt động Công ty CP Lavifood, Công ty Tanifood, Công ty CP Sài Gòn Galleria.
Trước khi bị bắt, Vân đứng tên cho 35 doanh nghiệp, với tổng quy mô vốn lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.
Trương Huệ Vân sinh năm 1988, là người Việt gốc Hoa, cháu gái của chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.
Bà Vân là thế hệ thứ tư của gia tộc họ Trương, được biết đến là người có ảnh hưởng lớn trong "đế chế" Vạn Thịnh Phát.
Trước khi bị bắt, bà Vân xuất hiện nhiều trên truyền thông nói về các dự án kinh doanh, chia sẻ với cộng đồng, làm thiện nguyện và từng gây xôn xao khi tổ chức đám cưới bạc tỉ với một nhạc sĩ nổi tiếng.
Theo kết luận, năm 2021, Trương Mỹ Lan mua lại Công ty CP Lavifood từ ông Lê Thành để đưa vào vận hành, hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Bà Lan giao cho Trương Huệ Vân quản lý, điều hành công ty này thông qua Nguyễn Phi Long, tổng giám đốc cùng với Võ Hồng Khanh, Hồ Xuân Dũng.
Quá trình hoạt động, chủ tịch Vạn Thịnh Phát chỉ đạo Vân sử dụng pháp nhân Công ty CP Lavifood vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác.
Ngoài ra, bà Lan còn thống nhất, chỉ đạo Vân cho thành lập các công ty "ma" để vẽ ra phương án kinh doanh mua bán nông sản với Công ty CP Lavifood. Việc này nhằm lập hồ sơ vay vốn khống, tạo lập khoản vay, rút tiền từ SCB để sử dụng cho hoạt động của Vạn Thịnh Phát và các mục đích của Lan, Vân, kết luận nêu.
Quá trình điều hành Công ty CP Sài Gòn Galleria, Công ty CP Eurasia Concept, Vân còn chỉ đạo nhân viên cấp dưới là Trần Minh Xuyên và Hạ Đình Hân (nhân viên kế toán của 2 công ty) phối hợp với SCB lập hồ sơ vay vốn.
Tuy nhiên, C03 cáo buộc khi cần trả nợ thì nữ tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát không sử dụng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh, mà lấy tiền từ các khoản vay của các công ty, cá nhân khác được tạo lập khống tại Ngân hàng SCB để trả nợ cho chính SCB.
Từ năm 2020, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty có hoạt động thật (50 khoản vay), tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi Ngân hàng SCB.
Kết quả điều tra xác định tính đến ngày 17-10-2022, 155 khoản vay trên liên quan đến Trương Huệ Vân còn dư nợ hơn 2.800 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra cáo buộc đủ căn cứ xác định nữ tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát Trương Huệ Vân đã thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội "tham ô tài sản".
Vân chịu trách nhiệm liên đới chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỉ đồng.
Chiêu thành lập công ty ma để vẽ ra phương án kinh doanh
Theo kết luận, bị can Nguyễn Phi Long (tổng giám đốc Công ty Lavifood) khai làm việc tại Vạn Thịnh Phát từ năm 2019 và được giao vị trí quan trọng tại nhiều công ty con.
Trong quá trình điều hành hoạt động, Long cùng với Đặng Quang Nguyên (phó tổng giám đốc Lavifood) được Trương Huệ Vân chỉ đạo thành lập 52 công ty "ma". Từ đó các bị can lên kế hoạch vẽ ra các phương án kinh doanh, các hợp đồng kinh doanh khống mà không thực hiện.
Các phương án kinh doanh khống này được Vân chỉ đạo dùng để làm hồ sơ vay vốn, rút tiền tại SCB.
Long xác nhận đã phối hợp với SCB lập 105 hồ sơ vay vốn khống nhằm lấy tiền phục vụ cho hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cá nhân bà Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân. Hiện các khoản vay này tại SCB còn dư nợ hơn 2.300 tỉ.
Để vay vốn tại SCB, Long được Trương Huệ Vân chỉ đạo phối hợp với Trần Thị Mỹ Dung (tổng giám đốc SCB) cùng lên kế hoạch lập hồ sơ khống. Sau đó Long yêu cầu Đặng Quang Nguyên vận động các nhân viên trong công ty đứng tên thành lập 26 công ty "ma".
Đồng thời nhóm của ông Lê Văn Nhân chuyển cho Long 26 công ty khác để lập hồ sơ vay khống tại SCB. Để nhóm của Nhân đồng ý đứng tên các công ty vay vốn, Long đã đứng ra ký thỏa thuận trả nợ cho các công ty này.
Long thừa nhận việc lập các công ty "ma" theo chỉ đạo của Trương Huệ Vân để vay vốn tại SCB như trên là trái quy định pháp luật.
Cả Long và Nguyên đều khai nhận các công ty "ma" được lập ra không có hoạt động kinh doanh thật. Số tiền "rút ruột" tại SCB bằng thủ đoạn lập hồ sơ khống đều được chuyển lại cho nhân viên của Vạn Thịnh Phát theo chỉ đạo từ Trương Huệ Vân.
Mỗi khi cần tiền, nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát với quyền lực "là chủ thực sự" sẽ yêu cầu nhóm lãnh đạo SCB tập trung tại tòa nhà Times Square để họp ra các phương án lập khống hồ sơ vay tiền, chứ không phải tại trụ sở ngân hàng.