vĐồng tin tức tài chính 365

Thị phần bảo hiểm phi nhân thọ lại biến động

2024-01-18 14:18

Nhiều thay đổi trong Top 10

Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của các doanh nghiệp, tính đến hết tháng 11/2023 (chưa có số liệu cụ thể 12 tháng), Bảo hiểm Bưu điện - PTI (mã PTI) đã lùi xuống vị trí thứ 4 về thị phần doanh thu phí (hơn 7% thị phần), “trả lại” vị trí này cho Bảo Minh - BMI (mã BMI) - doanh nghiệp từng nằm trong Top 3 có thị phần doanh thu phí cao nhất thị trường phi nhân thọ nhiều năm trước đây. Trong khi đó, Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt vẫn vững vàng ở 2 vị trí dẫn đầu với thị phần lần lượt là hơn 15% và hơn 14%.

Thực tế, Bảo Minh đã có kế hoạch giành lại thị phần thứ 3 về doanh thu phí từ năm 2022 và năm 2023 đánh dấu sự trở lại của nhà bảo hiểm này với tỷ lệ thị phần chiếm 8% tổng doanh thu khai thác toàn thị trường. Doanh thu của Bảo Minh năm 2023 dự kiến đạt 6.461 tỷ đồng, tăng 2,35% và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 375 tỷ đồng, tăng 9,41% so với kết quả năm 2022.

Để đạt được vị trí thứ 3 thị phần này, ngoài nỗ lực nội tại, Bảo Minh còn được “hưởng lợi” từ việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh của chính doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI Phạm Minh Hương từng chia sẻ, mục tiêu trong năm 2023 của PTI là tiếp tục kiện toàn về quản trị, con người, giữ vững nền tảng kinh doanh đã xây dựng trong nhiều năm qua. PTI không thể đặt bài toán tăng trưởng về doanh số trong điều kiện hiện nay của thị trường, mà phải đặt bài toán làm thế nào để kiến tạo được một nền tảng kinh doanh bền vững, có điều kiện cạnh tranh trong tương lai.

Ngoài Bảo Minh, trong năm 2023, Bảo hiểm BIDV - BIC (mã BIC) cũng là cái tên gây chú ý. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm hơn 30% - cao nhất thị trường, BIC dễ dàng vượt qua Bảo hiểm Petrolimex - PJICO (mã PGI) vươn lên vị trí thứ 6 và áp sát Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã MIG) ở vị trí thứ 5 về thị phần doanh thu.

Với định hướng tăng trưởng đột phá về quy mô doanh thu, BIC đã tận dụng tốt các cơ hội thị trường, phát huy các lợi thế từ Ngân hàng mẹ BIDV và đối tác chiến lược FairFax để bứt phá trong năm qua.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông trước đó, ông Trần Xuân Hoàng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIC nhấn mạnh, BIC sẽ nỗ lực duy trì vị thế là một trong những trụ cột kinh doanh của hệ thống BIDV, phấn đấu lọt vào Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần doanh thu, tiếp tục đứng trong Top 3 nhà bảo hiểm đứng đầu về tỷ suất sinh lời vào năm 2025.

Trong khi Bảo Minh đã trở lại Top 3 thị phần doanh thu bảo hiểm gốc thì MIC đặt mục tiêu lọt vào Top 4. Vì thế, quyết tâm quay lại Top 5 của PJICO sẽ gặp nhiều thử thách hơn với sự cạnh tranh gắt gao của cả MIC và BIC.

Ẩn số BSH và VNI

Thị trường đang chờ đón các động thái mới của DBI sau khi chính thức nắm giữ 75% vốn điều lệ tại VNI và BSH, cùng lúc sở hữu 37% vốn điều lệ tại PTI - là 3 công ty bảo hiểm nằm trong Top 10. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Trong một động thái khác, cuối tháng 12/2023, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (mã BSH) về việc chuyển nhượng cổ phần của hãng bảo hiểm này cho DB Insurance Co., Ltd (DBI) và Tổng công ty Rau quả nông sản.

Cụ thể, Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc cho BSH thực hiện chuyển nhượng cổ phần theo đơn đề nghị chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp này. Theo đó, trong vòng 14 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần theo phương án đã được chấp thuận, BSH phải thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 22 - Nghị định 46/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Trước đó, trong tháng 6/2023, nhóm cổ đông của BSH đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng 75% cổ phần cho DB Insurance Co., Ltd (DBI) - doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu của Hàn Quốc. Theo nghị quyết ngày 14/6/2023, Hội đồng quản trị BSH đã chấp thuận đề nghị chuyển nhượng cổ phần của nhóm cổ đông này nêu tại văn bản ngày 13/6/2023.

Với tệp khách hàng trong nước, cùng quy mô và các mối quan hệ hiện có tại Hàn Quốc, DBI có thể mang lại cơ hội mới cho BSH và các doanh nghiệp bảo hiểm khác mà doanh nghiệp này đầu tư tại Việt Nam. Thêm vào đó, nền tảng vững chắc của DBI tại châu Á và mạng lưới kinh doanh tại nhiều thị trường phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc…, có thể được tận dụng thông qua các đối tác với BSH, góp phần mở rộng kinh doanh và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

Là một trong những thị trường có tiềm năng phát triển về bảo hiểm, Việt Nam dành được sự quan tâm lớn của DBI và năm 2015, nhà bảo hiểm đến từ Hàn Quốc chính thức gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam thông qua việc đầu tư vào một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.

Tháng 2/2023, Bảo hiểm Hàng không - VNI (mã ACI) cũng đã công bố việc DBI nhận chuyển nhượng 75% cổ phần của VNI sau khi nhận được sự chấp thuận của Bộ Tài chính và hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Cùng thời điểm, Bộ Tài chính có công văn trả lời VNI về việc chấp nhận về mặt nguyên tắc việc chuyển nhượng cổ phần của hãng bảo hiểm này cho DBI và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ.

Thị trường đang chờ đón các động thái mới của DBI sau khi chính thức nắm giữ 75% vốn điều lệ tại VNI và BSH, cùng lúc sở hữu 37% vốn điều lệ tại PTI. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, khi một công ty bảo hiểm nước ngoài cùng lúc nắm giữ lượng lớn cổ phần tại 3 công ty bảo hiểm trong nước đều thuộc Top 10 doanh nghiệp có thị phần doanh thu phí cao nhất.

Một số chuyên gia bảo hiểm nhận định, động thái này có thể làm thay đổi sự cạnh tranh trên thị trường do DBI nhiều khả năng sẽ xây dựng VNI và BSH theo hướng tăng trưởng mạnh mẽ doanh thu phí như đã thành công với PTI. Thậm chí, với lợi thế cổ đông nắm quyền chi phối, các chính sách phát triển cho VNI và BSH sẽ rõ nét hơn tại PTI trước đây.

Với chiến lược không đẩy mạnh tăng trưởng mạnh doanh số như giai đoạn trước, mà tập trung hơn vào kiện toàn bộ máy nhân sự, tăng cường quản trị rủi ro…, PTI đã lùi về vị trí thứ 4 về thị phần, trong khi VNI và BSH tính đến hết tháng 11/2023 có thị phần doanh thu chưa quá lớn (nhưng tổng doanh thu đã lớn hơn PTI).

Hiện tại, chiến lược của DBI đối với VNI và BSH chưa được tiết lộ, nhưng trong trường hợp DBI sáp nhập 2 công ty thành một thì sẽ tạo ra một doanh nghiệp lớn thứ 4 về doanh thu phí (theo số liệu năm 2023) và điều này chắc chắn sẽ tác động lên thị trường, đặc biệt là gia tăng cạnh tranh trong nghiệp vụ bảo hiểm ô tô vốn đang được 2 doanh nghiệp chú trọng phát triển.

Trên thực tế, cạnh tranh bảo hiểm xe cơ giới được dự báo ngày càng khốc liệt không chỉ với 3 doanh nghiệp kể trên, mà trên bình diện toàn thị trường khi nhiều doanh nghiệp khác đang gia tăng đầu tư cho mảng này.

Xem thêm: lmth.067733tsop-gnod-neib-ial-oht-nahn-ihp-meih-oab-nahp-iht/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Thị phần bảo hiểm phi nhân thọ lại biến động”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools