Ngày cuối cùng của Bệnh viện dã chiến số 4 sau 100 ngày hoàn thành sứ mệnh chăm lo cho bệnh nhân F0 - Ảnh: Sở Y tế TP.HCM
"1 ngày chuẩn bị và 100 ngày hoạt động chống dịch" - đó là kỷ niệm khó quên của từng cán bộ, nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Bình Tân, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, nhân viên y tế từ đoàn tỉnh Phú Thọ và lực lượng dân quân điều động từ Bộ tư Lệnh TP.HCM đến công tác Bệnh viện dã chiến số 4.
Ngày 6-6, nhận nhiệm vụ từ Ban Chỉ đạo TP, Bệnh viện Nhi đồng TP được giao quản lý Bệnh viện dã chiến số 4 đã bắt tay ngay vào việc khảo sát và lên kế hoạch hoạt động.
Cơ sở vật chất được giao là khu nhà tái định cư chưa sử dụng đã hơn 10 năm, bao gồm 20 block nhà trải rộng trên diện tích hơn 30 hecta, được chia thành 4 khu. Mỗi block nhà gồm 4 tầng, không có thang máy, bao gồm 40 phòng với sức chứa từ 180 - 210 bệnh nhân mỗi block.
Bệnh viện bắt đầu nhiệm vụ thu dung vào ngày 7-7, đến 13-7 đạt mức 4.000 bệnh nhân. Bệnh viện thành lập hệ thống phòng cấp cứu và khu hồi sức cấp cứu với tổng số 185 giường.
Đến ngày 14-10, tổng bệnh nhân thu dung là 16.129, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 2.523, người trên 65 tuổi là 706, tử vong 61 trường hợp (0,38%), chuyển viện tầng trên là 551 trường hợp (3,4%).
Sở Y tế cho biết ở thời điểm đỉnh dịch, ngày đông nhất bệnh viện tiếp nhận 4.089 bệnh nhân, bệnh nhân nặng là 176 người cần hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn...
Bệnh viện được hỗ trợ trưng dụng 4 trường học làm 2 trụ sở hành chính và 4 khu ở cho nhân viên y tế và dân quân, tách biệt rõ các vùng đỏ, vàng và xanh. Xây dựng các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn cho bệnh viện dã chiến, quy trình phối hợp xử lý rác, tập huấn định kỳ cho tất cả nhân viên.
Bệnh viện còn tổ chức các hoạt động như trình diễn văn nghệ, cuộc thi làm lồng đèn, rước đèn trung thu, múa lân… để hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân và nhân viên y tế.
Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận các nhóm tình nguyện viên F0 để cùng nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân, đặc biệt nhóm bệnh nhân nặng, bệnh nhân lớn tuổi, neo đơn. Các bệnh nhân xuất viện đều được các chuyến xe miễn phí, xe 0 đồng đưa về.
Trong suốt 100 ngày hoạt động, đã có 53 nhân viên (gồm 20 nhân viên y tế và 33 dân quân) bị phơi nhiễm, chiếm tỉ lệ 6,6%. Tất cả đều được điều trị, chăm sóc và khỏi bệnh, khỏe mạnh.
Xin chào "Bệnh viện dã chiến số 4"!
Theo lộ trình, từ cuối tháng 10 đến tháng 12-2021, các bệnh viện dã chiến của TP.HCM sẽ lần lượt ngừng hoạt động, hoàn thành sứ mệnh tiếp nhận chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 suốt 3 tháng qua.
Tính đến ngày 8-10, toàn TP có 15 bệnh viện dã chiến quận, huyện đi vào hoạt động với tổng quy mô gần 7.000 giường.
Trong đó, các bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ ngừng hoạt động sau cùng (cuối tháng 12-2021) do được đầu tư hệ thống nguồn oxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 khi các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động.
TTO - Theo lộ trình, từ cuối tháng 10 đến tháng 12-2021, các bệnh viện dã chiến của TP.HCM sẽ lần lượt ngừng hoạt động, hoàn thành sứ mệnh tiếp nhận chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 suốt 3 tháng qua.