Người dân đi xét nghiệm COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
Ngày 15-10, Sở Y tế TP.HCM đã có kết luận về hoạt động quản lý bệnh viện và công tác chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tình hình mới.
Tính đến nay, TP đã trải qua gần 6 tháng tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sở Y tế đề nghị các bệnh viện TP, quận, huyện được chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn phần sang điều trị COVID-19, chủ động xây dựng kế hoạch trở về công năng ban đầu. Duy trì khu cách ly tại đơn vị với quy mô 20 - 40 giường cho bệnh nhân COVID-19, có kế hoạch chuyển đổi các khu này thành khoa, đơn vị điều trị COVID-19 tại bệnh viện.
Các bệnh viện sẵn sàng luân phiên nhân viên y tế đến tham gia công tác tại bệnh viện dã chiến 3 tầng và bệnh viện dã chiến của TP. Các bác sĩ phải được đào tạo và cấp chứng chỉ về hồi sức cấp cứu.
Tất cả các trường hợp khi đến cơ sở khám chữa bệnh đều phải thực hiện khai báo y tế, phân luồng và sàng lọc. Khi phát hiện trường hợp F0 thì xử lý theo quy trình đã được Sở Y tế hướng dẫn trước đó.
Trước đó, ngày 3-10, Sở Y tế ban hành công văn về việc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19. Sở đề nghị tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh nghiêm túc thực hiện việc thu phí xét nghiệm COVID-19, lựa chọn phương pháp xét nghiệm phù hợp, thực hiện mẫu gộp theo hướng dẫn của Sở Y tế và Bộ Y tế để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Sở Y tế nhấn mạnh tuyệt đối không áp mức giá xét nghiệm theo mẫu đơn để thu phí đối với người bệnh thực hiện xét nghiệm mẫu gộp.
Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị COVID-19 có trách nhiệm quản lý tốt các thuốc điều trị COVID-19 (Remdesivir, Molnupiravir) đã được cấp phát về đơn vị, đảm bảo có đầy đủ báo cáo xuất - nhập - tồn, ghi nhận tác dụng không mong muốn… để làm căn cứ phân bổ và điều chuyển thuốc tới các đơn vị có nhu cầu.
Những ai được xét nghiệm mẫu gộp?
Trước đó, ngày 8-10, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn TP về việc hướng dẫn xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tình hình mới.
Theo đó, đối với các trường hợp cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật tại khu vực điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày (phẫu thuật trong ngày, chạy thận nhân tạo, kỹ thuật có tạo khí dung, khám thăm dò chức năng hô hấp, nội soi dạ dày; khám chữa bệnh răng miệng...), có chỉ định làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên để quyết định nơi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật phù hợp.
Tại khu vực điều trị nội trú và các khoa, phòng khác, thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngay khi phát hiện nhân viên, người lao động, người bệnh, người chăm sóc có triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, đau họng, mất khứu giác, mất vị giác...).
Tất cả trường hợp viêm phổi diễn tiến nhanh, suy hô hấp không giải thích được tiến hành xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn.
Trong thời gian điều trị nội trú, định kỳ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10, 7 ngày/lần cho ít nhất 20% người bệnh và người chăm sóc.
TTO - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã khoanh vùng "nội bất xuất, ngoại bất nhập" khu vực điều trị nội trú để xử lý. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã nhanh chóng đưa lực lượng nhân viên y tế xuống.