Theo các quy định pháp luật, tài xế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển các phương tiện giao thông, sẽ bị xử phạt, tuỳ theo mức độ khác nhau.
Luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28.8.2013 quy định: Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định được hiểu là một trong những trường hợp sau đây:
a) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc đang trong tình trạng say do sử dụng các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia;
b) Người điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
c) Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1lít khí thở.
Ngoài ra, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ cần trong máu có nồng độ cồn là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Các mức phạt tương ứng với nồng độ cồn khác nhau (từ ngày 1.1.2020, cấm hoàn toàn việc lái xe khi có nồng độ cồn. Người vi phạm có thể bị phạt tới 40 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Điều 35 Luật Phòng chống tác hại của Rượu, bia, Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 các hành vi bị nghiêm cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Theo đó đã sử dụng rượu bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Khi xảy ra tai nạn giao thông chỉ cần xác định người điều khiển phương tiện giao thông có trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 260 BLHS, không cần thiết phải xác định nồng độ cồn vượt quá mức quy định.
Người điều khiển phương tiện giao thông trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả thuộc một trong các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 260 thì không cần thiết phải xác định có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, những người này đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS
Người tham gia giao thông không điều khiển phương tiện giao thông, như người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ gây tai nạn giao thông, dẫn đến hậu quả thuộc một trong các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 260 thì phải xác định có nồng độ cồn vượt quá mức quy định phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS.
Như vậy, tuỳ theo mức độ vi phạm nồng độ cồn, cơ quan chức năng sẽ ra các quyết định xử phạt hành chính. Song với hành vi gây tai nạn, không cần thiết phải xác định mức độ cồn bao nhiêu.
Xem thêm: odl.569978-oan-eht-uhn-hnid-yuq-cum-auq-touv-noc-od-gnon-hnid-cax/taul-pahp/nv.gnodoal