Đây là kết quả nằm trong dự đoán của bơi lội Việt Nam. Nhưng mặt khác, Huy Hoàng cũng tạo nên những ngạc nhiên thú vị.
Vùng lên mạnh mẽ
Huy Hoàng xuất trận ở ngày thi đấu thứ ba của môn bơi lội. Trước đó, nhiều kình ngư Việt Nam đã thi đấu nhưng không ai có thể tạo nên bứt phá ở Asiad. Và trong ngày đầu tiên của mình, Huy Hoàng lại được bơi ở cự ly sở trường là 1.500m tự do.
Ở Asiad 2018, cái tên Huy Hoàng vụt sáng trên bản đồ bơi lội thế giới khi anh suýt đánh bại Sun Yang, chung cuộc chỉ giành HCB vì hụt hơi ở đoạn đường cuối. Cũng tại Asiad 2018, Huy Hoàng còn giành HCĐ nội dung 800m tự do.
Giống như nhận định của Huy Hoàng, cự ly càng ngắn thì càng nhiều đối thủ mạnh, nhiều năm qua anh và ban huấn luyện đã xác định sẽ tập trung vào hai cự ly mũi nhọn 1.500m và 800m. Đến Hàng Châu năm nay, Huy Hoàng được kỳ vọng sẽ bảo vệ thành công HCB nội dung 1.500m hay ít nhất là một suất trong top 3. Nhưng rồi nhiệm vụ đó thất bại, khi anh về đích thứ tư chung cuộc.
Cú hụt hơi đáng tiếc của Huy Hoàng tưởng chừng đã là biểu trưng cho sự tụt dốc của bơi lội Việt Nam tại đấu trường châu lục. Nhưng trong những ngày cuối cùng, anh đã vùng lên mạnh mẽ. Ở cự ly 800m tự do, Huy Hoàng bảo vệ thành công tấm HCĐ. Và đến cự ly 400m tự do vốn không phải sở trường, Huy Hoàng tung cú nước rút mạnh mẽ để lần đầu tiên đoạt HCĐ nội dung này ở đấu trường Asiad.
Suy nghĩ lại
"Trước khi bước vào Asiad, đầu óc tôi cứ suy nghĩ về việc phải làm sao để lấy lại phong độ tốt nhất ở giải đấu lần này. Có như vậy tôi mới báo đáp được niềm tin yêu của mọi người, của các thầy cô... Có lẽ vì vậy mà tôi chịu sức ép khá nhiều. Sau thất bại ở ngày thi đấu đầu tiên, tôi đã phải suy nghĩ lại. Tôi tìm cách gạt những suy nghĩ về thành tích khỏi đầu. Và rồi tôi dần bơi tốt hơn ở những ngày thi đấu tiếp theo", Huy Hoàng chia sẻ.
Huy Hoàng nói nhiều về chuyện vượt qua áp lực, nhưng đó không phải là tất cả. Điều đáng nói hơn là sự đầu tư và chiến lược của anh. Hai năm qua, đã có nhiều lo ngại rằng việc phải dàn trải quá nhiều nội dung đã khiến Huy Hoàng mất phong độ. Đến trước thềm Asiad, anh còn "bế quan" tu luyện, không cùng đồng đội tham dự giải thế giới.
Và rồi Huy Hoàng đã cho thấy mình đang trên đường trở lại quỹ đạo. Thành tích của anh không đi lên so với Asiad 18 nhưng ít nhất vẫn cho thấy Huy Hoàng chưa đánh mất đẳng cấp châu lục. Ở tuổi 23, Hoàng có thể vẫn còn tiến bộ nếu được đầu tư hợp lý. Rất nhiều kình ngư hàng đầu thế giới vẫn cải thiện được thành tích ở độ tuổi ngoài 25.
Hy vọng mới
Nguyễn Quang Thuấn - em trai Ánh Viên - cũng là một gương mặt thú vị ở Asiad năm nay. Bơi cùng các nội dung hỗn hợp với Hưng Nguyên, Thuấn (trẻ hơn 3 tuổi) vốn chưa thể vượt mặt đàn anh ở các giải khu vực. Nhưng đến Asiad 19, Thuấn lại bất ngờ trở thành hy vọng của Việt Nam ở nhóm cự ly hỗn hợp.
Tạỉ nội dung 400m hỗn hợp cá nhân, Thuấn đạt thành tích 4 phút 19,52 giây ở đợt bơi chung kết, trong khi Nguyên chỉ đạt 4 phút 26,44 giây. Thành tích này của Thuấn cũng tiến bộ đáng kể so với chính anh ở SEA Games 2023 - 4 phút 21,3 giây (đoạt HCB sau Nguyên). Sự tiến bộ của Thuấn là tín hiệu đáng mừng bởi điều đó còn tạo thêm động lực tập luyện cho đàn anh Hưng Nguyên.
Sau những chiến tích của Ánh Viên, của Huy Hoàng, bơi lội Việt Nam đã được kỳ vọng sẽ tiến thêm một bậc, đủ khả năng cạnh tranh huy chương với các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở nhiều nội dung. Kỳ vọng đó tất nhiên chưa được đáp ứng, nhưng với cú ngược dòng ngoạn mục của Huy Hoàng cùng sự tiến bộ của một số kình ngư trẻ, bơi Việt Nam xem như vẫn chưa đi thụt lùi.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng vừa đoạt chiếc HCĐ nội dung 400m tự do. Đây là chiếc huy chương thứ hai của Huy Hoàng tại Asiad 19.