Phim Người tình - một bộ phim nước ngoài quay ở Việt Nam - Ảnh tư liệu
‘Dự thảo Luật Điện ảnh hiện tại đang không chăm sóc cho khu rừng nguyên sinh mà chỉ chăm cho tán cây cổ thụ chơ vơ giữa đồi trọc’, chuyên gia chính sách Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - khẳng định như vậy với Tuổi Trẻ Online bên lề tọa đàm Luật Điện ảnh (sửa đổi) với việc phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam do báo Đại biểu nhân dân tổ chức trực tuyến chiều 15-10.
Không phải chỉ chăm cổ thụ mà là cả khu rừng
Tọa đàm lần này tập trung nhiều vào những quy định đối với doanh nghiệp vốn trước đó ít được góp ý hơn.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Đồng nói thay vì xây dựng bộ luật giúp thúc đẩy phát triển cả hệ sinh thái dịch vụ sản xuất phim để phát triển nền công nghiệp sáng tạo thì dự thảo đang chỉ chăm chăm lo gây dựng cái chóp đỉnh trong nền công nghiệp điện ảnh là những bộ phim nghệ thuật.
Nếu ví những bộ phim nghệ thuật là những cái cây cổ thụ, thì những dịch vụ sản xuất phim và dòng phim thị trường cho số đông công chúng chính là thảm động thực vật phong phú trong khu rừng nhiệt đới. Chính thảm động thực vật này khi được chăm lo phát triển sẽ là bệ đỡ vững chắc cho những tán cổ thụ vươn cao.
Theo ông Đồng, dự thảo Luật Điện ảnh hiện tại đang không chăm sóc cho khu rừng nhiều tầng lớp này mà mong nuôi dưỡng được những tán cây cổ thụ trên một đồi trọc khi nó đang có nhiều trói buộc với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sản xuất phim, chưa kể tới việc nó chưa đề cập tới câu chuyện đào tạo nhân lực cho ngành sản xuất phim. Khi chỉ có những tán cổ thụ trên đồi trọc thì không thể có nền công nghiệp điện ảnh thực thụ - thứ đang mang lại giá trị kinh tế, văn hóa rất lớn cho các nước.
Tại tọa đàm, ông Fraser Thompson - giám đốc điều hành công ty tư vấn AlphaBeta (Singapore) - cũng cùng chung đánh giá về vai trò của điện ảnh như một nền công nghiệp sáng tạo mang lại giá trị kinh tế lớn chứ không chỉ là một bộ môn nghệ thuật cho số ít.
Hiện nền kinh tế sáng tạo đã và đang đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam (chiếm hơn 3% GDP, xếp thứ 10, 6% việc làm và gần 4% kim ngạch xuất khẩu) và đang có tiềm năng tăng trưởng rất lớn.
Để tận dụng được tiềm năng này trong công nghiệp điện ảnh, tại toạ đàm, ông Đồng đề xuất Luật Điện ảnh sửa đổi phải cởi trói nhiều hơn cho các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ điện ảnh.
Ông Nguyễn Quang Đồng phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: QUANG KHÁNH
Mất cả năm trời xin phép cho đoàn nước ngoài vào Việt Nam làm phim
Đề xuất "cởi trói" của ông Đồng bao gồm bỏ hoặc sửa một số điều, khoản trong dự thảo. Đầu tiên là bỏ điều 14 với những quy định cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Lý do là Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự hiện tại đã đủ điều chỉnh và nhiều quy định trong điều này không xác đáng, mang tính "hành" doanh nghiệp.
Về chuyện quy định hành chính "hành" doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ điện ảnh hiện nay, bà Lê Thị Phương Thảo - giám đốc điều hành công ty Thaole Entertainment - cho biết công ty của bà từng phải mất cả năm trời để xin được giấy phép đưa đoàn làm phim nước ngoài vào làm phim ở Việt Nam. Trong khi luật chỉ quy định thời gian xét duyệt hồ sơ cấp phép tối đa là 30 ngày theo thông tin từ đại diện Cục Điện ảnh.
Ông Đồng còn đưa ra góp ý sửa, bỏ một số quy định khác trói buộc doanh nghiệp, trong đó có những quy định xâm phạm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Hoan nghênh xu hướng bỏ tiền kiểm, chuyển sang hậu kiểm với phim chiếu mạng mà ban soạn thảo Luật Điện ảnh đang hướng tới, ông Đồng góp ý thêm, đối với phim trên truyền hình theo yêu cầu (VoD) Việt Nam hiện chưa thể giao trực tiếp cho doanh nghiệp tự phân loại phim của mình trình chiếu như góp ý của ông Fraser Thompson, mà nên có một bước đệm đó là cơ quản quản lý cấp phép cho một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm định phân loại phim (các đài truyền hình…) giống như mô hình văn phòng công chứng tư nhân hiện nay.
Khi đó phải có công cụ 'report' để người dùng tự báo cáo vi phạm. Và Hội đồng thẩm định phim quốc gia sẽ đóng vai trò đưa ra những phán quyết khi có những báo cáo vi phạm của người dân.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - phó cục trưởng Cục Điện ảnh - hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Đồng cho rằng rất cần phải phát triển hệ sinh thái dịch vụ sản xuất phim bởi có khoảng hơn 30 nghề trong một đoàn làm phim nhựa và với phim kỹ thuật số như hiện nay thì con số này lên tới hơn 100 nghề, đặc biệt là phim sử dụng nhiều kỹ xảo.
Bà thừa nhận ở Việt Nam hiện nay hệ sinh thái này đang yếu ngay ở khâu nhân lực vì các cơ sở đào tạo công lập chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế.
Bà cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự thảo Luật Điện ảnh.
TTO - Vào tháng 10-2021, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sẽ xem xét và cho ý kiến về dự án Luật điện ảnh (sửa đổi). Nhiều nội dung trong dự án Luật điện ảnh sửa đổi lần này đã thu hút sự quan tâm và đóng góp ý kiến của các nhà quản lý và giới làm phim.