Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1/10 đến nay, đã có hơn 34.000 người lao động ngoại tỉnh quay lại nhà máy, dự kiến trong quý IV nhu cầu vẫn cần tới gần 60.000 lao động để đẩy mạnh hồi phục sản xuất trong điều kiện mới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để hỗ trợ người lao động, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm, kết nối với doanh nghiệp, trực tiếp liên lạc, mời gọi, thỏa thuận với người lao động, đồng thời thực hiện thêm các túi an sinh, chăm lo cho công nhân.
Triển khai 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp
Bên cạnh các chính sách an sinh, mới đây Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết trong kế hoạch phục hồi kinh tế, dự kiến thành phố sẽ phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ, để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được, nhằm thay thế cho các chung cư cũ, khu nhà trọ, hiện thực hóa mục tiêu tổ chức lại đời sống cho người lao động.
Đánh giá từ lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, hiện chỗ ở cho công nhân vẫn chưa đầu tư đúng mức, vẫn còn nhiều khu nhà trọ có diện tích chật hẹp, dễ lấy nhiễm dịch bệnh và tác động lớn đến đời sống tinh thần của người lao động.
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp là cần thiết và cần ưu tiên cho từng nhóm đối tượng.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đối tượng ưu tiên đó là gần 300.000 công nhân của các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đối tượng đó là công nhân lao động tự do ở các quận huyện và gần 3 triệu người nhập cư vào TP Hồ Chí Minh".
TP Hồ Chí Minh sẽ xây 1 triệu nhà giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp. Ảnh minh họa.
Theo các doanh nghiệp, dự nhà ở xã hội hoặc nhà ở giá rẻ được cấu thành thông qua 3 yếu tố: Vốn đầu tư, quỹ đất và thủ tục hành chính. Trong đó, hạn chế quỹ đất và thời gian giải quyết hồ sơ còn chậm là hai lý do chính khiến doanh nghiệp khó phát triển nhà ở giá rẻ.
Việc thành phố đề ra mục tiêu xây dựng nhà ở cho công nhân và đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp có động lực phát triển hơn.
"1 triệu căn này sẽ dùng nguồn đầu tư của các doanh nghiệp, đi song hành cùng đầu tư công để phát triển kinh tế thành phố trở lại. Kế này đáp ứng được nhu cầu của mấy triệu người lao động đang ở thành phố và họ đang ở những nhà trọ rất ọp ẹp. Họ có nơi ăn, chốn ở văn minh và họ cảm thấy an tâm ở lại thành phố này để tiếp tục làm việc và đóng góp cho thành phố", ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Xây dựng Lê Thành nói.
Ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Phú Đông cho hay: "Nếu muốn phát triển dòng bất động sản theo mục tiêu này rõ ràng cần sự hỗ trợ rất lớn của chính quyền về việc tạo lập quỹ đất và thực hiện mọi thủ tục thuận lợi nhất cho công tác về pháp lý".
Dự kiến thành phố sẽ mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công bằng các quỹ đất của thành phố, để giãn người lao động ra khu nhà trọ chưa đủ tiêu chuẩn.
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nỗ lực giữ chân lao động
Bên cạnh các chính sách được chính quyền TP Hồ Chí Minh triển khai, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang chủ động, linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ, đưa công nhân trở về, từng bước khôi phục sản xuất, tận dụng cơ hội tăng trưởng cuối năm.
Sau gần 3 tháng nghỉ phòng dịch, chỉ 20% trong tổng số 56.000 công nhân của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam quay trở lại nhà máy, doanh nghiệp đối diện với nguy cơ đứt gãy sản xuất và đơn hàng.
Vì vậy, doanh nghiệp đã xoay đủ cách, từ đưa đón, gọi điện, mời gọi công nhân trở lại làm việc. Nhờ đó, số lượng công nhân đã tăng lên 23.000 người, đạt 40% công suất.
Dự kiến trong quý IV, TP Hồ Chí Minh cần tới gần 60.000 lao động để đẩy mạnh hồi phục sản xuất. Ảnh minh họa.
Giữ chân lao động bằng cách tăng phúc lợi, tăng lương, thực hiện lưới an sinh... là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đang thực hiện để người lao động gắn bó với nhà máy.
Các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh cũng đã thu hút khoảng trên 50% công nhân trở lại làm việc. Riêng với những ngành thâm dụng lao động như dệt may và da giày, con số này đạt khoảng 60%. Ngành dệt may cũng đang lên kế hoạch đón khoảng 20.000 - 30.000 công nhân từ các địa phương về thành phố để sản xuất hàng Tết.
Khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho thấy, 89% người di cư và 96% lao động địa phương muốn tiếp tục làm việc ở nhà máy hiện tại. Vẫn có những tín hiệu lạc quan về nguồn lao động cho TP Hồ Chí Minh sẽ dồi dào trở lại khi việc lưu thông giữa các tỉnh, thành đã dần thông thoáng.
VTV.vn - Mới đây, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, 81% doanh nghiệp tại Đồng Nai đã hoạt động trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.79403355061011202-gnod-oal-iougn-ort-oh-pahp-iaig-ueihn-iahk-neirt-hnim-ihc-oh-pt/et-hnik/nv.vtv