Ngày 14.10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giao thông Vận tải về phương án tái khởi động hoạt động du lịch trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các phương án từng bước mở lại các hoạt động du lịch phải theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Và sự ra đời của Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã tạo cơ sở để từng bước khởi động trở lại các hoạt động du lịch”.
Du lịch đã chịu ảnh hưởng nặng nề
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Với 4 cấp độ dịch, trong đó, tại các địa bàn an toàn, một số dịch vụ như hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao… được cho phép hoạt động trở lại.
Trên thực tế, theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong 2 năm (2020, 2021), các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỉ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch, lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.
Cuối tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phải phát động một chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19. Nhiều nhận định cho rằng thời gian qua là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của du lịch Việt Nam.
Trong thời gian tới, theo đại diện Tổng cục Du lịch, kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch, lữ hành tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ bao gồm: Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Từng bước khởi động lại
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến cuối năm 2021, Việt Nam chủ động được cơ bản nguồn vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm, ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh đã nâng cao thêm một mức. Đó là những yếu tố thuận lợi hơn trước để từng bước mở lại hoạt động du lịch.
Tuy nhiên, rủi ro dịch bệnh của ngành du lịch là tần suất người di chuyển rất cao, phạm vi rộng, vì vậy, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phải ban hành ngay hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch rất cụ thể, chi tiết như: Phương thức vận tải; điều kiện hoạt động trong các khu tham quan, cơ sở lưu trú, dịch vụ; phương thức xét nghiệm; hợp đồng với các cơ sở y tế để giám sát, xử lý ngay khi phát hiện ca nhiễm nhanh nhất, gọn nhất.
Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương rà soát, cập nhật, sớm ban hành hướng dẫn đối với các hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không. Phó Thủ tướng lưu ý cần có quy định rõ, chi tiết đối với du khách theo tour du lịch lữ hành khác với xe vận tải hành khách thông thường khi bảo đảm an toàn về du khách, điểm xuất phát, điểm dừng, điểm đến.
“Tất cả các hoạt động du lịch từ đi lại, lưu trú, dịch vụ, ăn uống… phải tuân thủ đúng 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách” - Phó Thủ tướng lưu ý.
Ông Nguyễn Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, thời điểm hiện tại cần tập trung vào du lịch nội địa. Trong đó, an toàn phải trở thành tiêu chí cơ bản đối với hoạt động du lịch, kết nối du khách từ “vùng xanh” tới “điểm đến xanh”.
“Nghị quyết 128 của Chính phủ đã quy định rất rõ mức độ nguy cơ thành 4 cấp. Các địa phương cần cập nhật các vùng, khu vực, điểm đến an toàn để làm căn cứ triển khai các hoạt động du lịch. Những điểm đến đã an toàn cần cho phép mở lại các hoạt động dịch vụ, văn hoá ở mức độ phù hợp, có kiểm soát” - ông Nguyễn Thế Bình bày tỏ quan điểm.
Trước đó, một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo, Xuyên Mộc, Châu Đức và Đất Đỏ), TPHCM (huyện Cần Giờ), Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh đã mở lại một số hoạt động tại các khu, điểm du lịch cho khách nội tỉnh cũng như khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch COVID-19.
Dù vậy, vẫn còn có một số khó khăn cần phải được xử lý trong thời gian tới như tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 có sự chênh lệch giữa các địa phương. Để khôi phục lại hoạt động du lịch có hiệu quả, việc phủ vaccine cho người dân cần phải tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, đồng thời, các điểm du lịch cần sẵn sàng về điều kiện cơ sở hạ tầng, y tế, nhân lực phục vụ. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, ngành du lịch và các đơn vị chức năng ở các địa phương cần phải nâng cao hơn để đón du khách tới thăm và trải nghiệm được an toàn, đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Xem thêm: odl.401469-iom-hnih-hnit-iov-gnu-hciht-hcil-ud-ial-auc-om-gnas-nas/et-hnik/nv.gnodoal