Ngày 14.10, Tọa đàm trực tuyến “Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới” đã được tổ chức nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như giúp các doanh nghiệp trong ngành có thể sớm phục hồi, phát triển trở lại.
Theo đánh giá từ ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, dịch COVID-19 gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch. Chỉ tính riêng tỉnh Phú Yên, khách du lịch giảm 90%, có khoảng 15% nguồn nhân lực nghỉ việc, 25% làm việc bán thời gian và còn lại hoạt động cầm chừng.
“Hiện các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm giảm bớt chi phí, đặc biệt trong vấn đề chi phí kiểm soát dịch bệnh, xét nghiệm nhanh, chi phí liên quan phòng dịch…” - ông Trần Hữu Thế cho hay.
Còn ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, trong tháng 10 sẽ triển khai du lịch nội tỉnh, tháng 11 đón khách ngoại tỉnh. Nếu việc thí điểm mang lại hiệu quả tốt sẽ khai thác khách du lịch đến vịnh Hạ Long, Yên Tử theo những tour độc lập, có tính chất riêng tư.
Ngoài ra, ông Phạm Ngọc Thủy cũng đề xuất trong việc làm tốt quản trị, tránh để xảy ra tình trạng nay mở, mai đóng. Các bộ ngành nên quan tâm, đồng hành với địa phương, ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, chia sẻ chi phí...
Đồng thời, cần thực hiện công tác truyền thông tích cực, chủ động, tạo được niềm tin cho người dân, từ đó mới thu hút được khách đi du lịch, cũng như tiếp tục quan tâm xem xét hỗ trợ người lao động thời gian tới.
Trước vấn đề thí điểm đón khách quốc tế, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, mọi việc còn tuỳ thuộc vào yếu tố quan hệ song phương với các thị trường khách đến. Hiện Đà Nẵng đã nhận được đề nghị từ khách Nga và Hàn Quốc.
“Chúng tôi kiến nghị, sớm có hướng dẫn thống nhất đón và phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, để các địa phương có thể triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, rất mong Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch thống nhất với các thị trường chung về hộ chiếu vaccine ở các thị trường trọng điểm” - ông Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh.
Với tư cách là một trong những doanh nghiệp lữ hành, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) thừa nhận, mặc dù có nhiều năm hoạt động và có không ít kinh nghiệm đối phó với các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ngành du lịch. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần này nằm ngoài sức tưởng tượng.
Vì thế, phía doanh nghiệp lữ hành cũng đề xuất một số kiến nghị cụ thể với lãnh đạo trung ương, TPHCM để có những cơ chế về chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch, cùng việc kết nối làm việc cụ thể với các tỉnh, thành phố nhằm chuẩn bị các kế hoạch hợp tác khi du lịch chính thức mở cửa.
Đồng quan điểm, ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng Giám đốc Cty Vietravel đề xuất, hiện các địa phương chỉ dừng lại ở mở cửa nội thành, nội tỉnh nhưng du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành cao. Nhưng nếu muốn ngành du lịch thật sự trở lại thì cần phải có sự liên kết chặt chẽ, cũng như cùng thống nhất các tiêu chí an toàn trong điều kiện hiện nay.
Ghi nhận trước những đề xuất của các tỉnh địa phương và các doanh nghiệp lữ hành, Bộ trưởng Bộ VHTTDL - ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định, thời gian tới đây, Bộ VHTTDL đã có định hướng đốc thúc triển khai linh hoạt, thích ứng, tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản khởi động lại hoạt động du lịch.
Trước mắt sẽ là định hướng ưu tiên du lịch nội địa, coi đó là cơ sở phát triển lại du lịch. Kế đến, cùng địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình, khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn. Cùng đồng hành với doanh nghiệp lữ hành để có những chính sách hỗ trợ như giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng trong tổng thể chung v.v…
Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh đến vấn đề số hóa, ứng dụng công nghệ. Cần tập trung đầu tư xây dựng ứng dụng cung cấp dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải tìm đến doanh nghiệp lữ hành. Đây là một hướng đi trọng tâm trong tương lai.
Xem thêm: odl.701469-hcil-ud-ioh-cuhp-ed-eniccav-ueihc-oh-ev-tahn-gnoht/et-hnik/nv.gnodoal