"Cái ‘bẫy’ lớn nhất hay rủi ro lớn nhất của Tiki là muốn làm quá nhiều thứ, trong khi nguồn lực có hạn. Thấy công nghệ gì mới và hay, chúng tôi đều muốn ‘bay’ vào làm thử xem sao. Tuy nhiên, dù sao thì Tiki cũng không phải 100% là công ty công nghệ giống Facebook; ngoài phần công nghệ, chúng tôi còn nền tảng offline phía sau như bộ phận giao hàng, kho bãi…
Và sở dĩ tôi nói nó là rủi ro lớn nhất, bởi nó thuộc về bản chất của team lãnh đạo Tiki, luôn có tham vọng ‘nghĩ lớn – làm lớn’ hay nói như ông bà ta là muốn ‘liều ăn nhiều’. Tất nhiên, Tiki luôn có rất nhiều số liệu – đặc biệt trong mảng TMĐT, cái gì cũng có. Nhưng một khi ai đó set-up ra một dự án mới, vì mọi người quá hào hứng, nên khó nhìn thấy số liệu nói gì. Vậy nên, rất khó để thay đổi!
Cũng may, văn hóa của Tiki là trung thực – thẳng thắn. Nếu ai đó thấy đồng nghiệp của mình đang ‘bay’ quá cao, thì sẽ nhắc nhở, tìm gặp và cùng ngồi xuống để bàn bạc xem dự án đó có cần thiết và hiệu quả cho công việc kinh doanh hiện tại hoặc tương lai gần của Tiki hay không?
Hơn nữa, Ban lãnh đạo của Tiki cũng thường xuyên tự nhắc mình là phải tập trung và đừng quá tham lam – cái gì cũng muốn làm. Ngoài ra, chúng tôi nhận ra, nhu cầu của khách hàng Tiki khá đơn giản, họ muốn được giao nhanh – nhiều – rẻ", Founder kiêm CEO Tiki - Trần Ngọc Thái Sơn chia sẻ trong sự kiện Open talk 3: ‘Mặt trời’ ló dạng nơi đâu?.
Cũng theo CEO Tiki, cũng may, cách đây 2 năm, sàn TMĐT này đã quyết định quay về cốt lõi sứ mệnh của mình chứ không lan man nữa: tăng cường khả năng phục vụ khách hàng là ưu tiên số 1. Theo đó, Tiki sẽ đi trả lời các câu hỏi như khách hàng thật sự cần gì? Ngoài muốn giao nhanh họ còn muốn gì nữa? Rồi mình có làm được hay không?
Nhu cầu khách hàng của Tiki hết sức đơn giản: giao nhanh - số lượng nhiều - giá rẻ.
Và chính Covid-19 đã khiến Tiki nhanh chóng nhận ra được đâu là nhu cầu thật sự của khách hàng như đã nói ở trên và họ cần tập trung vào cái gì bỏ cái gì.
Bên cạnh đó, Covid-19 cũng khiến Tiki nhận ra nhiều vấn đề khác của bản thân cũng như thay đổi tư duy kinh doanh. Đúng là Tiki có rất nhiều kho bãi, song liệu nó đã phân bố hợp lý hay chưa và có thể phục vụ hết tất cả nhu cầu mà Tiki cần – ví dụ kho của Tiki có thể lưu trữ hàng tươi sống được hay không?
Trước đây, khi Tiki bán hàng có thương hiệu, nhiều người cứ nghĩ họ và các nhà bán lẻ khác chính là đối thủ - ví dụ trong mảng bán lẻ hàng công nghệ thì Tiki và Thế Giới Di Động là đối thủ. Song Covid-19 khiến họ nhận ra: không có cạnh tranh gì ở đây cả, hiện Tiki đang xây dựng nền tảng công nghệ để phục vụ các nhà bán lẻ có thương hiệu khác lên sàn Tiki. Chưa hết, trong Covid-19, Tiki đã hợp tác với AIA để đưa sản phẩm bảo hiểm lên bán trên kênh online.
"Covid-19 khiến chúng tôi vỡ lẽ ra nhiều thứ và khiến chúng tôi thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh của chúng tôi vẫn thế - vì chiến lược kinh doanh không phải là thứ có thể thay đổi trong một sớm một chiều, không từ đơn ngành chuyển ngay sang đa ngành được.
Giống như nếu mình bán bún bò, mình không thể vì Covid-19 mà chuyển sang bán hàng tiêu dùng online; song mình có thể dùng công nghệ để bán bún bò.
Mục tiêu của Tiki cũng không thay đổi từ lúc khởi nghiệp đến tận bây giờ: phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn – bao gồm cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam càng nhiều càng tốt. Cũng như thế, IPO là ước mơ của Tiki trong 10 năm nay chứ không phải do Covid-19, ngay từ khi công ty có 3 đến 5 người, chúng tôi đã mơ ước có ngày được lên sàn.
Covid-19 có thể tạo nhiều khó khăn này thuận lợi kia cho Tiki, nhưng định hướng kinh doanh và phát triển của chúng tôi vẫn thế - không có thay đổi lớn. Đại dịch chỉ khiến chúng tôi đi sớm hoặc đi chậm 6 tháng/12 tháng mà thôi", ông Trần Ngọc Thái Sơn khẳng định.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị