Bệnh nhân COVID-19 ở Brazil - Ảnh: REUTERS
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 743.880 ca tử vong trong tổng số 45.738.585 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 452.010 ca tử vong trong số 34.052.687 ca. Brazil đứng thứ 3 với 602.727 ca tử vong trong số 21.627.476 ca.
Tính theo tỉ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 606 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 338 người và CH Bắc Macedonia với 331 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latin và Caribê hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 45,4 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 70 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong.
Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 76,8 triệu ca. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 54,1 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 214.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.100 người.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Matxcơva, Nga, ngày 13-10 - Ảnh: REUTERS
Tình hình đại dịch COVID-19 ở Nga đang diễn biến khá nghiêm trọng. Trong vòng 24 giờ, nước này đã ghi nhận 32.196 ca mắc mới COVID-19 và 999 ca tử vong do căn bệnh này - cả hai chỉ số này đều ở mức kỷ lục từ đầu đại dịch.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga - bà Valentina Matvienko - trong một cuộc phỏng vấn đã nêu rõ tình hình dịch tễ "khó khăn" của Nga, tuy nhiên bà chỉ ra rằng không có lý do gì để áp đặt quy định cách ly trên toàn liên bang.
Thị trưởng thủ đô Matxcơva - ông Sergei Sobyanin - cho biết thành phố này sẽ mở thêm 30 điểm xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 từ ngày 18-10 để tầm soát cho người dân trên quy mô lớn, trong bối cảnh chất lượng xét nghiệm này đạt hiệu quả tới 80%.
Cơ quan Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga - Rospotrebnadzor - cũng đã giảm 50% thời gian thông báo kết quả xét nghiệm COVID-19, theo đó kết quả sẽ được thông báo trong vòng 24 giờ sau khi mẫu thử được gửi đến phòng thí nghiệm.
Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - ông Kirill Dmitriev - cho biết trong năm 2022, Nga sẽ sản xuất số liều vắc xin Sputnik V và Sputnik Light cần thiết để tiêm chủng cho 1 tỉ người.
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm ở Anh - Ảnh: The Guardian
Cơ quan Thống kê quốc gia của Anh vừa công bố số liệu cho thấy tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng lên trong tuần kết thúc vào ngày 9-10 vừa qua, theo đó cứ trong 60 người thì có 1 người mắc bệnh - mức cao nhất kể từ tháng 1-2021.
Trong ngày 15-10, nước này cũng ghi nhận thêm 145 trường hợp tử vong do COVID-19 trong số 44.932 ca bệnh mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Anh ghi nhận hơn 40.000 trường hợp mắc bệnh trong một ngày, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên con số 8.361.651.
Tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 ở Anh hiện 138.379 người. Hiện hơn 85% người từ 12 tuổi trở lên ở Anh đã tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên, trong khi hơn 78% đã được tiêm đủ cả hai liều.
Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides ngày 15-10 cảnh báo về nguy cơ xảy ra "một đại dịch" mới khi mùa đông tới mang theo bệnh cúm mùa trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa thể kiểm soát.
Bà Stella Kyriakides nêu rõ: "Khi thời tiết chuyển từ mùa thu sang mùa đông... chúng ta cần phải hành động và đảm bảo rằng hệ thống y tế của chúng ta không trở nên quá tải".
Theo bà, mỗi năm các nước Liên minh châu Âu (EU) có tới 40.000 người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến cúm, ngay cả khi không có đại dịch COVID-19.
Do đó, bà Stella Kyriakides kêu gọi người dân cần tiêm phòng cả bệnh cúm mùa, để đảm bảo ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh khi các nước dần mở cửa trở lại. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), gần 75% dân số trưởng thành ở EU đã được tiêm phòng đầy đủ COVID-19.
Khoảng 56% dân số Mỹ đã được tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Tại châu Mỹ, Chính phủ Mỹ thông báo biên giới đường bộ giữa quốc gia này và Mexico sẽ được mở lại vào ngày 8-11 tới sau 19 tháng tạm dừng các hoạt động phi thiết yếu do đại dịch COVID-19.
Chính sách này được áp dụng đối với những người đã được tiêm các loại vắc xin ngừa COVID-19 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn.
Theo thống kê của cơ quan cửa khẩu, mỗi ngày có khoảng 1 triệu công dân của hai nước qua lại biên giới chung và giá trị biên mậu lên đến 1,7 tỉ USD.
Cơ quan quản lý y tế Mỹ hiện trì hoãn quyết định tiêm vắc xin COVID-19 của Hãng Moderna Inc cho lứa tuổi thanh thiếu niên, nhằm tiến hành kiểm tra thêm về các phản ứng phụ hiếm gặp (nguy cơ gây viêm cơ tim) của vắc xin này.
Theo một báo cáo của Học viện Nhi khoa Mỹ, tính đến ngày 7-10 vừa qua, Mỹ đã có hơn 6,04 triệu trẻ em mắc COVID-19.
Ngày 15-10, Hãng dược phẩm Pfizer Inc (Mỹ) và đối tác BioNTech SE (Đức) thông báo đã nộp các dữ liệu về việc sử dụng vắc xin COVID-19, do hai hãng phối hợp phát triển, với nhóm trẻ em từ 5-12 tuổi lên Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) để được xem xét cấp phép.
Dù hiện nay vắc xin của hai hãng này chưa được cấp phép sử dụng cho nhóm trẻ nhỏ nhưng đã được cấp phép sử dụng cho nhóm trẻ trên 12 tuổi ở cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Đầu tháng này, các hãng trên cũng đã đề nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng vắc xin COVID-19 mà hai hãng phát triển cho nhóm trẻ nhỏ. Dự kiến, ủy ban cố vấn của FDA sẽ họp vào tháng tới để đánh giá các dữ liệu mà hai hãng cung cấp.
Dù trẻ em nói chung được cho là nhóm có ít nguy cơ bệnh nặng nếu mắc COVID-19 nhưng vẫn có thể lây truyền virus cho những nhóm khác, trong đó có cả những nhóm có nguy cơ cao bị bệnh nặng.
Hiện nay, việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ được xem là chìa khóa để mở cửa trở lại các trường học và giúp chấm dứt đại dịch COVID-19.
Israel đã cấp phép đặc biệt cho việc sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech với liều lượng thấp hơn để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi, nhóm được cho là có nguy cơ đáng kể bị bệnh nặng và tử vong vì COVID-19.
TTO - TP.HCM cho biết sẽ tiêm chủng cho lứa tuổi 12-17 từ tuần sau, bắt đầu từ ngày 22-10. Bộ Y tế vừa có yêu cầu cần nâng tiến độ tiêm chủng lên ít nhất 2 triệu mũi/ngày, gấp đôi hiện nay, do vắc xin còn tồn trong các kho khoảng 28 triệu liều.