Ngày 16-10, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, cho biết đã di lý Lê Thị Nguyệt Huyền (sinh năm 1969, HKTT tại Hà Tĩnh) về đến Bình Dương để tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Huyền bị phòng Cảnh sát hình sự truy nã từ tháng 5-2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đổi tên, thay đổi chỗ ở liên tục để trốn
Trước đó, vào ngày 15-10 các trinh sát thuộc đội Cảnh sát truy nã, phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương, đã phối hợp với Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) xác minh và bắt giữ được Huyền khi người này đang trốn tại xã Hương Long.
Thời điểm Huyền bị bắt, người này đã đổi tên thành Lê Thị Ngọc Mai.
Huyền thay tên, di chuyển chỗ ở liên tục để trốn cơ quan công an. Ảnh: CACC
Huyền là một trong sáu người trong nhóm lừa đảo dưới hình thức thu mua nông sản rồi chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của các chủ đại lý nông sản tại các địa phương như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh…
Sau khi băng nhóm lừa đảo bị phát hiện, đồng phạm của Huyền lần lượt bị sa lưới. Riêng Huyền đã đổi tên và di chuyển chỗ ở liên tục để tránh sự phát hiện của cơ quan công an.
Theo cơ quan điều tra, tên khai sinh ban đầu của người này là Lê Thị Mai, sau khi vào Bình Phước đổi tên thành Lê Thị Nguyệt Huyền rồi tham gia vào nhóm lừa đảo. Đến khi các đồng phạm bị bắt, Huyền lẩn trốn về Hà Tĩnh rồi tiếp tục đổi tên thành Lê Thị Ngọc Mai.
Theo một trinh sát truy bắt Huyền, người phụ nữ này ngoài việc thay đổi chỗ ở liên tục thì còn đổi tên, có đầy đủ giấy tờ nên truy bắt không dễ.
Nhóm lừa đảo nông sản, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng
Nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sáu người gồm Nguyễn Hữu Thủy, Lê Duy Kiều (cùng quê Thanh Hóa) và Đinh Thị Lĩnh (quê Ninh Bình), Trần Thị Đào, Lê Thị Nguyệt Huyền và Trần Thị Mận.
Huyền mới bị bắt, còn Mận vẫn đang bị cơ quan công an truy nã.
Thủy, Lĩnh và Kiều (từ trái qua) lãnh tổng mức án 37 năm tù. Ảnh: LÊ ÁNH
Theo hồ sơ vụ án, vì từng đi thu mua nông sản nên sáu người trên quen biết nhau và nảy sinh ý định lừa đảo.
Sau khi lên kế hoạch, đầu tháng 12-2017, cả nhóm phân chia công việc rõ ràng. Người thì đi thuê kho, người thì gọi điện thoại cho các chủ đại lý nông sản tại các địa điểm đã nhắm từ trước để đặt mua nông sản (cà phê, tiêu, điều).
Khi chủ đại lý đến giao hàng thì các thành viên trong nhóm phối hợp “diễn” và trả gần hết số tiền để tạo lòng tin. Số tiền còn lại nhóm này hứa lần sau mua tiếp sẽ trả đủ.
Sau đó, với kịch bản như cũ một thành viên trong nhóm tiếp tục liên lạc với chủ đại lý đã mua trước đó, để đặt số lượng lớn nông sản và yêu cầu chở đến giao tại kho nhóm này thuê sẵn.
Sau khi giao xong, một thành viên trong nhóm mời chủ địa lý nông sản đi ăn cơm. Trong thời gian này, cả nhóm đưa người và xe đến “dọn sạch” số nông sản mới được giao.
Sau đó, nhóm này chỉ đưa cho chủ đại lý một số tiền nhỏ và bảo số tiền còn lại sẽ trả sau, rồi bỏ đi. Nghi bị lừa, chủ đại lý quay lại kho hàng để lấy hàng lại nông sản thì toàn bộ đã biến mất.
Với kịch bản y như nhau, cả nhóm đã lừa trót lọt sáu vụ của nhiều chủ đại lý chiếm đoạt số tiền 3,3 tỉ đồng.
Vì chỉ làm việc với nhau trong thời gian ngắn, chủ yếu giao dịch qua điện thoại nên các chủ đại lý chỉ biết tên giả của người giao dịch với mình. Các kho chứa nông sản cũng chỉ là kho thuê một lần. Chủ cho thuê cũng không biết rõ lý lịch người thuê. Điều này gây khó khăn rất lớn cho cơ quan điều tra.
Đến tháng 10-2018, sau thời gian dài theo dõi, nhóm lừa đảo này bị các trinh sát thuộc phòng Cảnh sát hình sự bắt giữ. Riêng Trần Thị Đào, Lê Thị Nguyệt Huyền và Trần Thị Mận nhanh chân bỏ trốn.
Sau đó, Đào tìm cách vượt biên qua Campuchia, khi đang chuẩn bị vượt biên thì Đào bị lực lượng Bộ đội biên phòng bắt giữ.
Đến ngày 14-5-2020, TAND tỉnh Bình Dương đã đưa Nguyễn Hữu Thủy, Lê Duy Kiều và Đinh Thị Lĩnh ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời điểm đó, Trần Thị Đào đột nhiên bị bệnh tâm thần, phải đưa đi điều trị nên sẽ đưa ra xét xử sau. Còn lại Lê Thị Nguyệt Huyền (vừa bị bắt), Trần Thị Mận bỏ trốn và bị truy nã.
Sau bốn ngày xét xử, Thủy lãnh 13 năm tù, Kiều và Lĩnh mỗi người 12 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.