Theo thông tin từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20-8-2021, trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện có 2.151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 60,77 tỉ USD. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỉ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực.
Dẫn đầu khu vực về thu hút FDI
Một góc TP Thanh Hóa
Để có được những thành quả như ngày hôm nay là cả quá trình Thanh Hóa quyết liệt, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. Đặc biệt, với việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã tạo ra xung lực, được ví như "thỏi nam châm" hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Thanh Hóa tăng trưởng nhanh và đột phá. Quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ước tính, năm 2020, tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tới 49,3%, dịch vụ chiếm 31,5%, nông nghiệp chiếm 10%. Cùng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, thu ngân sách của tỉnh tăng trưởng đột biến và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 43,53 triệu đồng, gấp 4,3 lần năm 2010 và gấp 1,76 lần năm 2015.
Giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng GRDP bình quân của Thanh Hóa ước đạt 12,5%; đặc biệt, năm 2019, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 2 cả nước. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện. Cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, nhất là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; tạo được sự đột phá trong thu hút vốn cho đầu tư phát triển, trong đó nổi bật là nguồn vốn FDI.
Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.122 dự án đầu tư trực tiếp vào Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký 110.000 tỉ đồng và 3,85 tỉ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, TP có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa hiện đang đứng thứ 8 cả nước, với 129 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,2 tỉ USD.
So với thời điểm 11-2020, Thanh Hóa thu hút được 155 dự án đầu tư trực tiếp (13 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 28.900 tỉ đồng (tương đương 1,242 tỉ USD), tăng 2,6% so với cùng kỳ. Đến tháng 3-2021, Thanh Hóa đã thu hút được 159 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 14,53 tỉ USD. Hiện nay, Thanh Hóa đứng thứ 8 trên cả nước về thu hút dự án đầu tư nước ngoài.
Trong số các dự án FDI đã thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong 3 dự án công nghiệp trọng điểm quốc gia, có tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ USD, lớn nhất cả nước. Dự án đã được đưa vào hoạt động năm 2018 với công suất 10 triệu tấn sản phẩm/năm (gấp đôi nhà máy Lọc dầu Dung Quất), góp phần đáp ứng 33% nhu cầu xăng dầu của cả nước.
Khu kinh tế Nghi Sơn - một trong những khu kinh tế trọng điểm của Thanh Hóa và cả nước
Đáng chú ý, 90% các dự án đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh và được thực hiện từ các nhà đầu tư của 22 quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Đức, Anh, Bỉ…
Những quyết sách đúng đắn
Thành công ngày hôm nay không phải tự dưng đến với Thanh Hóa, đó là được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nên giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên các lĩnh vực, vai trò, vị thế và uy tín của Thanh Hóa ngày càng được nâng cao cả trong và ngoài nước.
Đặc biệt, nhiều năm trước, Thanh Hóa đã tập trung quy hoạch ý tưởng trên cơ sở phát triển 4 trung tâm động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế tạo thành không gian mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là kết nối vùng, các trung tâm động lực là ưu tiên của tỉnh Thanh Hóa.
Trong giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã dành khoảng 610.000 tỉ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Một góc TP du lịch biển Sầm Sơn
Nhiều công trình hạ tầng có ý nghĩa chiến lược được đầu tư như hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân, hệ thống cảng biển tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Nhiều tuyến đường giao thông được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới kết nối giao thông liên vùng như đường nối Khu kinh tế Nghi Sơn với Cảng hàng không Thọ Xuân; tuyến đường nối các huyện phía Tây Thanh Hóa; đường Hồi Xuân - Tén Tằn... tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa thiết lập quan hệ hợp tác ngoại giao và ký kết biên bản hợp tác với một số địa phương của các nước, như: Hàn Quốc, Đức, Nga, Kuwait, Lào… Tỉnh cũng tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Kuwait và đặc biệt tại Liên bang Nga với hơn 200 doanh nghiệp tham gia.
Thanh Hóa cũng đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy đầu tư nước ngoài và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực để đón nhận "cơ hội vàng" trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhờ những đường hướng đúng đắn qua các nhiệm kỳ gần đây, mà nhiều dự án đưa vào hoạt động không chỉ tạo bước đột phá và tạo động lực tăng trưởng, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo đòn bẫy để Thanh Hóa sớm trở thành một phần trong tứ giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh - Thanh Hóa.
Xem thêm: mth.92803019071011202-nad-gnud-hcas-teyuq-gnuhn-ut-togn-auq-iah-uad-tab-aoh-hnaht/et-hnik/nv.moc.dln