Lớn lên cùng thú cưng, trẻ sẽ biết cách chăm sóc động vật, được học nhiều bài học thực tế sinh động - Ảnh minh họa: THỦY NGUYỄN
Bàn luận về vai trò của thú cưng, thạc sĩ tâm lý LÊ THỊ MINH HOA - thành viên của một gia đình yêu động vật - nhận định:
Thạc sĩ tâm lý LÊ THỊ MINH HOA
- Thú cưng đem đến lợi ích to lớn cho con người về mặt tinh thần. Trước hết chúng như người bầu bạn - một nhu cầu có ý nghĩa đặc biệt với người già yếu, bệnh tật, căng thẳng, đau buồn, cô đơn. Chúng còn khơi dậy bản năng chăm sóc, lòng yêu thương, sự chấp nhận vô điều kiện ở con người và cả cảm nhận được chữa lành đối với những ai từng trải qua sự kiện đau buồn...
Chúng giúp chủ nuôi kết nối, tương tác xã hội khi dắt chúng dạo chơi và tham gia hoạt động cộng đồng, hoặc tâm trạng vui vẻ cùng thú cưng cũng giúp triển nở các mối quan hệ trong công việc và cuộc sống.
* Thưa bà, vì sao con người, đặc biệt là trẻ em, lại yêu thích thú cưng?
- Thứ nhất, như đã nói, chúng giống như người bạn đồng hành trong cuộc sống. Thứ hai, việc chăm sóc một sinh vật sống, theo dõi lớn lên rồi đón nhận những phản ứng của nó với mình... mang lại cảm giác rất dễ chịu. Những thứ đó có giá trị lớn lao về mặt tinh thần.
Chăm sóc một thú cưng còn giúp khơi dậy tính trách nhiệm và lòng nhân ái song hành với sự vui thú. "Bạn" chấp nhận ta vô điều kiện, "bạn" mang đến cho ta bao niềm vui, "bạn" sẵn sàng lắng nghe mọi tâm sự buồn vui của ta... thì ta đâu lẽ nào lại đành lòng bỏ đói, không bảo vệ, đánh mắng hoặc thậm chí "ăn bạn". Thành ra có khi phải "nhờ" thú cưng "dạy" trẻ hai giá trị sống này, thay vì cha mẹ cứ giáo huấn mãi mà trẻ chẳng nhập tâm.
Lại nữa, khi nuôi thú cưng, trẻ sẽ dày công suy nghĩ, tìm tòi và thực hành làm sao để chăm sóc tốt nhất cho con vật. Tất cả những điều trên sẽ góp phần hình thành nơi trẻ cách sống quan tâm và chia sẻ với mọi người xung quanh... Đặc biệt, trong thời đại số, gắn bó và chăm sóc thú cưng cũng phần nào kéo giảm việc lạm dụng game và thiết bị số.
* Thú cưng rồi cũng qua đời, điều đó ảnh hưởng như thế nào tới trẻ, thưa bà?
- Thú cưng giống người bạn đồng hành trong cuộc sống, khi chúng mất đi thì chủ nuôi cũng trải qua quá trình đau buồn mà trong nhiều trường hợp giống như mất người thân, thậm chí cảm nhận được sự trống rỗng, ăn không ngon ngủ không yên... Một người bận bịu công việc thì cảm nhận nỗi mất mát sẽ nhẹ nhàng hơn so với người già, người cô đơn, người gắn bó quá thân thiết với thú cưng...
Khi con trẻ mất thú cưng, việc đầu tiên là để cho trẻ có khoảng thời gian "được phép" đau buồn nhất định bởi vì đó là phản ứng tự nhiên và bình thường của con người khi mất đi một mối quan hệ có ý nghĩa với mình. Sau đó cần giúp trẻ ý thức trở lại với cuộc sống thực tại vốn còn nhiều mối quan hệ khác thậm chí còn quan trọng hơn cả mối quan hệ với thú cưng, và giúp trẻ nhận ra dẫu sao cũng phải tiếp tục với đời sống của mình.
Dọc dài theo hành trình nuôi thú cưng, trẻ lĩnh hội được nhiều bài học làm người: biết cách thể hiện yêu thương qua sự quan tâm và chăm sóc, phát triển lòng nhân ái và tính trách nhiệm... Đặc biệt, trẻ được trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc, từ vui thú cho đến đau buồn, như là quá trình luyện rèn quản lý cảm xúc bản thân. Thậm chí ngay cả sự ra đi của thú cưng cũng có thể là cơ hội để cha mẹ khơi gợi nhằm giúp trẻ nhận ra sự hữu hạn của cuộc đời, từ đó thêm quý trọng sự sống.
Hồi ức "4 chân"
Ngày nào chị em Jakop, Mì (quận 2, TP.HCM) cũng lên mạng tìm kiếm "bốn chân" để ngắm nghía mặt mũi, nghe chúng "nói chuyện" và xem chúng làm trò... Thấy con mê đắm chó mèo, nhưng nhà chật chội nên mẹ cứ đắn đo mãi. Một bữa mẹ "chịu hổng nổi" nên rước về một chú cún con, đặt tên là "Ngọc Tuệ".
Mỗi chiều tan trường, hai chị lại chơi đùa với "em Tuệ" cả tiếng đồng hồ. Ngọc Tuệ càng lớn càng ngoan, biết sủa khi thấy người lạ, "học bài" nhanh, chỉ đi vệ sinh trên chiếc mâm lót giấy...
Ngày nọ, Tuệ lao ra đường va phải xe máy, xụi lơ. Nằm thoi thóp chờ hai chị tan trường về, đôi mắt Tuệ ứa lệ và khép lại vĩnh viễn. Những ngày sau đó buồn hiu, hai chị em sụt sùi, còn mẹ cứ nằm vùi. Rồi mẹ kiếm được một cô cún giống hệt Tuệ. Từ ngày có Mina, nỗi buồn mất mát dần phôi phai nhưng ký ức về "em Tuệ" vẫn như nguyên vẹn. Rồi Mina có bạn là mèo Mikey. Được ít lâu, bụng Mikey bắt đầu trướng lên. Bác sĩ nói do Mikey chỉ ăn thực phẩm công nghiệp nên thiếu chất...
Chị bạn của mẹ đem Minơ đến khỏa lấp nỗi buồn mất Mikey. Mỗi tối, cứ đến khoảng 9h30 là Minơ lại rộn ràng "hối thúc" chị Mì đi ngủ. Còn Mina cứ ngồi bên cạnh khi chị Jakop học online, chốc chốc lại dụi mõm đòi vuốt ve...
Một nhóm tình nguyện viên bảo vệ động vật đã phát động chương trình 'AD-19' giải cứu thú cưng trong bối cảnh nhiều chủ nhân mắc COVID-19 và phải đi cách ly hoặc nhập viện.
Xem thêm: mth.1595930261011202-ig-ueid-ert-yad-gnuc-uht/nv.ertiout