Tăng vốn là vấn đề trọng tâm lớn của cả khối ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo báo cáo này, hiện tại phương án tăng vốn của một số ngân hàng cổ phần nhà nước chưa được được phê duyệt đã ảnh hưởng tới dư địa tăng trưởng của các ngân hàng cũng như áp lực tăng chi phí vốn do các ngân hàng phải thực hiện các biện pháp bù đắp khác phát hành trái phiếu thứ cấp, tăng nguồn tiền gửi trung dài hạn.
"Phương án tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước đang được trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định. Với thực trạng tài chính như hiện tại và nhu cầu vốn tự có để đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước là rất cấp thiết.
Đặc biệt trong thời gian tới khi các ngân hàng thực hiện áp dụng chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016 và đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nhằm giữ mức xếp hạng tín nhiệm hiện tại", báo cáo của Chính Phủ cho biết.
Theo đó, tính đến cuối tháng 7-2021, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước bao gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đạt 159,6 nghìn tỉ đồng; tổng tài sản đạt 6.052,6 nghìn tỉ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.073,4 nghìn tỉ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.481 nghìn tỉ đồng.
Để nâng cao năng lực tài chính, hiện nay, 4 ngân hàng trên đã và đang thực hiện tăng vốn điều lệ.
Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỉ đồng vốn điều lệ theo Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22-1-2021. VietinBank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại.
Trong khi đó, phương án tăng vốn tại Vietcombank và BIDV vẫn chưa được thông qua. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế.
Theo kế hoạch được trình, Vietcombank sẽ chi cổ tức 8% bằng tiền mặt cho năm 2020 và 27,6% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2019 trong 6 tháng cuối năm 2021. Trong khi đó, kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ có thể bị lùi lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đối với BIDV, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lấy ý kiến Bộ Tài chính đối với dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2020.
TTO - Sau một thời gian dài “treo” cổ tức, BIDV vừa thông báo sẽ trả cổ tức năm 2017 và năm 2018 bằng tiền mặt với tỉ lệ 7%/năm. Với hơn 3,41 tỉ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, BIDV sẽ chi ra khoảng hơn 4.786 tỉ đồng cho đợt chia cổ tức này.
Xem thêm: mth.71291102271011202-nov-tahk-gnah-nagn-nol-gno/nv.ertiout