Khó khăn lớn nhất là dòng tiền
Bốn tháng nay, 300 chiếc taxi của Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa phải đắp chiếu do đợt dịch thứ năm kéo dài. Đó là chưa kể, bốn đợt dịch liên miên từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021 đã khiến hoạt động kinh doanh của công ty này liên tục bị
đình trệ.
Ông Nguyễn Văn Hiền - Tổng Giám đốc công ty - cho hay: “Đến ngày 1/10, UBND TP.Đà Nẵng cho kinh doanh trở lại thì chúng tôi phải tốn gần 10 triệu đồng/xe để sửa sang, bảo dưỡng. Với gần 300 xe, chúng tôi tốn gần 3 tỷ đồng. Nhưng hiện giờ chưa có khách nên chúng tôi chỉ cho vài chục xe chạy, mỗi xe chạy được 100.000 -200.000 đồng/ngày, không đủ bù chi phí”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiền, nếu ngân hàng chỉ cho khoanh nợ trong 12 tháng thì doanh nghiệp (DN) không thể trụ nổi, vì Đà Nẵng đã trải qua gần hai năm có dịch, và chỉ còn hơn hai tháng nữa là hết năm nhưng lại mưa bão nên kể như không hoạt động được gì. Trong khi đó, DN vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Do đó, nên giãn nợ cho DN 36 tháng thay vì chỉ 12 tháng. Đồng thời, ông đề xuất, ngành thuế nên miễn thuế cho DN trong toàn bộ năm 2021 và giảm thuế trong sáu tháng đầu năm 2022, vì cho dù có kịp tiêm phủ vắc-xin 70% dân số thì cũng phải mất sáu tháng sau, kinh tế mới hồi phục phần nào.
Các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đang cần được tạo điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước để phục hồi hoạt động |
Ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn - cho rằng hiện nay, DN không còn tiền mặt do không có doanh thu, lại tốn nhiều khoản chi phí. Do đó, Chính phủ, ngân hàng cần hỗ trợ để DN bớt khó khăn về dòng tiền, từ đó hồi phục và phát triển. DN yếu kém phải giải thể để tìm mô hình mới, DN lớn phải sắp xếp lại để hoạt động theo mô hình mới. Nhưng không có tiền thì DN không thể tái cấu trúc, không thể trả nợ nần, mua nguyên vật liệu...
Theo ông Hà Đức Hùng - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.Đà Nẵng - ngoài miễn, giảm thuế hoặc khoanh nợ, giãn nợ ngân hàng, bảo hiểm xã hội, các DN tư nhân rất cần các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ để có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ. Họ là đối tượng thụ hưởng nhưng lại đang không thể tiếp cận được các gói này. Ông nói: “Những gói này từ địa phương đến Trung ương đều có, nhưng điều kiện để được hưởng lại rất khó. Do đó, cần điều chỉnh các điều kiện để DN tiếp cận dễ dàng hơn. Chính phủ và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh đầu tư công, giải ngân vốn nhanh để dòng tiền lưu thông, giúp DN có đồng vô đồng ra. Thêm vào đó, cần tạo điều kiện cho các chuyên gia hoặc người nước ngoài đi lại thuận tiện hơn, chứ người ta đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin ngừa COVID-19 rồi mà vẫn bị buộc cách ly dài ngày thì không ai dám tới hết”.
Chính quyền sớm hành động
Theo UBND TP.Đà Nẵng, trong chín tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 khiến 542 DN ở TP.Đà Nẵng giải thể và 2.297 DN tạm dừng hoạt động; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng; GRDP tăng trưởng âm 1,25…
Sau nhiều đợt giãn cách xã hội, chính quyền TP.Đà Nẵng đã và đang tìm cách hỗ trợ các DN phục hồi việc sản xuất, kinh doanh. Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - cho hay tổng dư nợ vay ngân hàng trên toàn thành phố tới tháng 9/2021 là hơn 63.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 7.000 tỷ đồng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; hơn 3.200 tỷ đồng dư nợ được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ. UBND Thành phố đã quyết định giảm thu một số khoản phí, lệ phí tương đương khoảng 50 tỷ đồng, giảm thuế thu nhập DN năm 2020 hơn 77 tỷ đồng, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất năm 2021 hơn 1.000 tỷ đồng.
UBND TP.Đà Nẵng cũng đang xem xét hỗ trợ 25% phí sử dụng hạ tầng năm 2021 cho DN trong các khu công nghiệp, hỗ trợ 30% lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động trong thời gian ba tháng cho DN ngành du lịch, vận tải, logistics, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. UBND thành phố cũng sẽ tạo điều kiện cho DN nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển với lãi suất 0% trong hai năm.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng - yêu cầu chính quyền thành phố khẩn trương hoàn thiện, ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn với dịch COVID-19. Ông cũng chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của hai tổ công tác liên ngành về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư xây dựng, đất đai, quy hoạch, tài chính, sớm ban hành và đưa vào triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN.
Bên cạnh yêu cầu lựa chọn các công trình, dự án trọng điểm để khởi công trong năm 2022, chuẩn bị đăng cai sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) năm 2022, ông cũng đề nghị UBND TP.Đà Nẵng sớm trình Chính phủ ban hành nghị định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP.Đà Nẵng.
Lê Đình Dũng
Xem thêm: lmth.3558441a-ioh-cuhp-eht-oc-ed-em-hnam-ort-oh-nac-peihgn-hnaod-gnan-ad/nv.moc.enilnounuhp.www