Hoạt động ngân hàng được triển khai đầy đủ, đồng bộ
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2021 (Nghị quyết số 01), trong Quý III và 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi kinh tế.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, Quý III/2021 diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt khi tình hình thực hiện giãn cách xã hội đã giảm bớt, công cuộc chống dịch COVID-19 đã đạt được kết quả đáng mừng. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức hoạt động ngân hàng được triển khai đầy đủ, đồng bộ, về cơ bản diễn ra suôn sẻ, đáp ứng được nhu cầu thanh toán, tín dụng của doanh nghiệp và người dân, “mạch máu” của nền kinh tế là dòng tiền vẫn trôi chảy.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN chủ trì buổi họp báo
Phó Thống đốc đánh giá, NHNN đã điều hành linh hoạt, kịp thời trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, thể hiện sự nhất quán, đảm bảo được yêu cầu, thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan tư vấn, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách liên quan đến lĩnh vực tài chính tiền tệ, hoạt động ngân hàng. Trong chính sách điều hành của NHNN thời gian vừa qua đã thể hiện sự nhất quán, năng động, sáng tạo, đặc biệt của người đứng đầu NHNN. Những định hướng, mục tiêu được đặt ra từ đầu năm đã được xác định khoa học và tiếp tục được duy trì, làm cơ sở vững chắc, tin tưởng cho thị trường, doanh nghiệp và người dân. Sự nhất quán đó đã truyền đi thông điệp cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp rằng ưu tiên lớn nhất là mục tiêu đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, tập trung mọi nguồn lực để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cũng như đổi mới các cơ chế, tổ chức vận hành theo hướng phát triển, nâng cao trình độ quản trị của các NHTM; tăng cường các dịch vụ theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 để dần dần đưa hoạt động ngân hàng với nhiều những tiện ích khác.
Báo cáo thêm về kết quả điều hành CSTT, đại diện NHNN cho biết, đến ngày 07/10/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020. Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm); Sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn. Trong các tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ các TCTD, đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/01/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá và thị trường tiếp tục diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Về điều hành tín dụng, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Nhờ các giải pháp đồng bộ, trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cải thiện hơn cùng kỳ năm 2020. Đến ngày 07/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%).
Về kết quả triển khai cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/01/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Đối với Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ): NHNN đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với NHCSXH để cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động (tính đến cuối tháng 9/2021)
Thực hiện các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không, NHNN đã tái cấp vốn cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay với VNA; các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ với VNA và thực hiện giải ngân tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.
Về tháo gỡ khó khăn cho thu mua, tiêu thụ lúa gạo, sau hơn 01 tháng kể từ khi có chỉ đạo của NHNN tại Công văn 5747/NHNN-TD, dư nợ cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng gần 5.000 tỷ đồng, hạn mức cấp tín dụng tăng 1.500 tỷ đồng.
Hoạt động thanh toán và công nghệ ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được NHNN hoàn thiện nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện giao dịch thanh toán trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán được triển khai. TTKDTM vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020; thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12%.
Quang cảnh buổi họp báo
Tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt
Về định hướng điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường; Tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp đang thực hiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do Covid-19, dành tối đa mọi nguồn lực hiện có, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, trong khuôn khổ quy định của pháp luật; đồng thời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi nền kinh tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cụ thể, đảm bảo thanh khoản ổn định trên thị trường tiền tệ; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; Khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; Tiếp tục chỉ đạo và giám sát việc TCTD thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Trước mắt, NHNN tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện tại, đồng thời sẽ theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường để điều hành lãi suất một cách phù hợp trong thời gian tới.
Cùng với đó, NHNN sẽ tiếp tục bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và quốc tế để triển khai các giải pháp kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đề ra, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân; Theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ.
Đại diện các Vụ, Cục trả lời câu hỏi tại buổi họp báo
Về tín dụng, NHNN tiếp tục theo dõi kết quả thực hiện của các TCTD về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN; Tiếp tục đôn đốc, theo dõi việc giảm lãi suất của 16 TCTD như cam kết để thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP, Quyết định 1284/QĐ-NHNN và cam kết tại cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với thành viên ngày 12/7/2021. Khuyến khích các TCTD, ngân hàng nước ngoài tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay.
NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai tín dụng chính sách; hỗ trợ tín dụng để góp phần không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giá trị, chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa; đánh giá khó khăn của nền kinh tế, các địa phương, các đối tượng, ngành nghề và loại hình doanh nghiệp để có các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, một trong những giải pháp được triển khai rất hiệu quả thời gian qua, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; Phối hợp chính quyền địa phương tỉnh, thành phố để cùng với các chính sách tài khóa, thương mại, xuất nhập khẩu hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân; Tiếp tục chỉ đạo TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Tiếp tục chính sách hỗ trợ trong thanh toán, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng; tiếp tục tháo gỡ khó khăn hay cung ứng nhiều hơn nữa các dịch vụ tiện ích để tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt cũng như đảm bảo an toàn, công nghệ trong hoạt động thanh toán.
Tiếp tục các hoạt động thanh tra, giám sát, đảm bảo sự ổn định của hoạt động ngân hàng; ngăn chặn nợ xấu trong quá trình thực hiện cơ cấu, tái cơ cấu, giãn, hoãn, nợ, đảm bảo khách quan, thực chất. Giám sát việc chấp hành trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn nguồn lực tài chính cũng như năng lực tài chính của các NHTM.
Hà My
Ảnh: Mạnh Thắng
Xem thêm: 250664VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www