Hội thảo có sự tham dự của ông Tô Huy Vũ- Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN); ông Andrew Jefferies – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam; đại diện của các đơn vị thuộc NHNN, các bộ, ngành và cơ quan của Chính phủ, các Ủy ban nhân dân, các Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, các cán bộ của ADB thuộc Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam và các Vụ chuyên môn của ADB tại trụ sở Manila, cùng các tổ chức và cá nhân có liên quan khác.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh ADB đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược đối tác quốc gia giai đoạn 2022 - 2025. Chiến lược là nền tảng chính để ADB xây dựng các hoạt động đầu tư phù hợp với Chiến lược 2030 của ADB, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 với kỳ vọng sẽ kịp thời thu xếp nguồn lực hỗ trợ cho các ưu tiên phát triển của Việt Nam, hỗ trợ phát triển nền kinh tế Việt Nam theo hướng xanh, toàn diện, tự lực và bền vững.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam phối hợp với ADB xây dựng Chiến lược đối tác quốc gia cho khu vực tư nhân, đánh dấu sự thay đổi trong định hướng chiến lược của ADB với việc tập trung nhiều hơn vào hoạt động tài trợ cho khu vực tư nhân, không có bảo lãnh của Chính phủ. Với mong muốn đáp ứng tốt hơn nhu cầu đầu tư phát triển của Việt Nam trong bối cảnh việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi ngày càng hạn chế hơn, ADB áp dụng cách tiếp cận mới trong xây dựng Chiến lược thông qua việc kết hợp giữa cho vay có bảo lãnh với không có bảo lãnh của Chính phủ nhằm tạo ra các tác động cộng hưởng, tập trung nhiều hơn vào các hỗ trợ cho địa phương, dịch chuyển theo hướng tài trợ cho các dự án đa lĩnh vực trên cùng một địa phương, và lồng ghép hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn tri thức trong các hoạt động.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày về hỗ trợ của ADB cho khu vực tư nhân Việt Nam trong thời gian qua và dự kiến trong thời gian tới, với trọng tâm ưu tiên hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, hướng tới hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc tiếp cận và sử dụng nguồn tài trợ của ADB, cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả và tác động của dự án.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện các bộ ngành và NHNN đánh giá cao ADB luôn là đối tác, nhà tài trợ đáng tin cậy, đồng hành cùng Việt Nam trong suốt thời gian qua, cũng như đánh giá cao ADB luôn đáp ứng kịp thời và hiệu quả nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển, cung cấp viện trợ, tư vấn chính sách của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực với các phương thức tài trợ đa dạng và liên tục đổi mới phù hợp với Việt Nam.
Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, việc thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động, đa dạng, và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 là cần thiết. Do đó, phía Việt Nam mong rằng ADB, bằng ảnh hưởng và uy tín của mình, sẽ đóng vai trò đầu tư và là cầu nối để giới thiệu và huy động các nguồn lực khác từ bên ngoài cho Việt Nam nói chung và khu vực tư nhân nói riêng. Đồng thời, Việt Nam mong muốn ADB cân nhắc thiết kế các dự án đầu tư theo hướng lồng ghép các yếu tố vốn với các yếu tố hỗ trợ tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm,… giúp gia tăng tính ưu đãi, cũng như tăng cường năng lực cho bên tiếp nhận.
Vụ HTQT
Xem thêm: 840664VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www