Thời gian vừa qua, tôi đã tập trung nghiên cứu cách để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi. Và tôi nhận ra đôi khi chúng ta có những thói quen xấu mà không hề hay biết. Vì vậy, bên cạnh những việc quan trọng cần phải thực hiện, bạn cũng nên tìm hiểu những điều tiêu cực có thể làm suy giảm uy tín và thành công của bạn với tư cách là một nhà lãnh đạo.
Dưới đây là danh sách 10 điều mà các nhà lãnh đạo nên tránh:
1. Chỉ trích
Chỉ trích có thể được coi là một loại phá hoại. Những lời phê bình quá gay gắt làm cho mọi người trở nên xa cách, khó mở lòng để học hỏi và tiến bộ. Về cơ bản, nó làm giảm giá trị đội ngũ nhân viên của bạn và sẽ khiến họ cảm thấy tự ti.
Thay vì chỉ trích, hãy mang đến những phản hồi mang tính xây dựng giúp nhóm của bạn phát triển và hoàn thiện hơn. Mọi người ai cũng muốn được thoải mái sáng tạo, học hỏi và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Vì vậy, hãy cho họ thấy rằng bạn đánh giá cao tiềm năng và đang giúp họ khám phá chúng.
Lần tới, nếu bạn thấy điều gì đó không ổn, thay vì chỉ ra nó, hãy nói: "Tôi chỉ đang tò mò, không biết tại sao…" để thăm dò suy nghĩ của nhóm bạn. Sau đó từ đó hướng dẫn họ đến với câu trả lời mà bạn cho là đúng.
2. Quản lý vi mô
Tính tự chủ là một trong 3 động lực nội tại quan trọng đối với sự thành công của mỗi cá nhân hay đội nhóm. Hoàn toàn đối lập với quyền tự chủ là quản lý vi mô. Nếu bạn muốn nhóm của mình cảm thấy tự do và thật sự thoải mái tạo nên những điều tốt nhất, thì hãy hướng dẫn họ, đừng áp đặt hay điều khiển tư duy, hành động của người khác. Hãy cho họ cơ hội để tự tìm hiểu mọi thứ. Bởi nếu bạn cũng cung cấp đáp án ngay, họ sẽ không thể tự suy nghĩ và làm việc độc lập.
Lần tới khi bạn thấy mình muốn can thiệp vào một điều gì đó, hãy nhắc nhở bản thân phải tin tưởng vào đội ngũ nhân viên của mình. Nếu bạn đã hướng dẫn họ một cách chính xác, thì chắc chắn, họ biết mình sẽ phải làm gì.
3. Tự mình làm tất cả công việc
Khi mới bắt đầu sự nghiệp, bạn có thể đã tự mình thực hiện tất cả các nhiệm vụ quan trọng. Nhưng khi gánh vác ngày càng nhiều trách nhiệm hơn, bạn sẽ không còn đủ sức để tự mình làm tất cả nữa. Bạn phải ủy thác và phân chia công việc hợp lý. Việc này không chỉ giúp bạn nâng cao khả năng lãnh đạo, mà còn giúp nhân viên của bạn có cơ hội thể hiện năng lực bản thân. Dưới sự lãnh đạo của bạn, họ sẽ hiểu hơn về cách làm việc nhóm, rèn luyện tư duy phản biện,...
Lần tới, khi bạn cảm thấy mình không có đủ thời gian để hoàn thành tất cả các công việc quan trọng, thì hãy xem lại danh sách nhiệm vụ và tìm ra 3 việc mà bạn có thể ủy thác cho nhân viên của mình.
4. Nói một đằng rồi làm một nẻo
Sức mạnh của lời nói vô cùng to lớn. Nó có thể truyền cảm hứng và động lực cho một ai đó, nhưng sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu lời nói không đi kèm hành động. Đừng mong đợi có được sự tín nhiệm của người khác nếu bạn nói một đằng và sau đó làm một nẻo. Nếu bạn muốn nhân viên của mình tin tưởng vào lời của bạn, hãy thực hiện những gì bạn đã nói.
Chú ý đến những gì bạn nói và đảm bảo chúng sẽ được thực hiện. Nếu bạn nói với nhân viên của mình rằng họ là tài sản quan trọng nhất của công ty, thì hãy chứng minh điều đó.
5. Giấu kín tất cả các thông tin
Việc giấu kín các thông tin sẽ khiến nhóm của bạn luôn ở trong tình thế bị động. Họ không biết xung quanh đã và đang xảy ra chuyện gì, làm thế nào để hòa hợp với kế hoạch, phương hướng phát triển của tổ chức. Vì vậy, bạn không thể mong đợi họ sẽ suy nghĩ chín chắn hay làm việc hiệu quả.
Hãy minh bạch tất cả các thông tin cần thiết. Lần tới, khi bạn bước ra khỏi cuộc họp mà chỉ có ban lãnh đạo tham gia thì hãy tóm tắt lại bằng một văn bản ngắn gọn và truyền đạt cho nhân viên của mình.
6. Đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích nhóm
Nếu chỉ tập trung vào lợi ích của mình, bạn sẽ đánh mất lòng tin của mọi người xung quanh. Ấn tượng mà bạn để lại có thể là một con người ích kỷ, một nhà lãnh đạo tồi tệ,... Nhưng nếu làm ngược lại, bạn sẽ nhận được sự yêu mến, tôn trọng và tin tưởng của tất cả mọi người.
Lần tới, khi bạn gặp khó khăn trong việc đưa ra một quyết định nào đó, hãy nghĩ về những điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho nhóm hay tổ chức.
7. Tốn thời gian cho những thứ chưa thật sự cần thiết
Năng lực của mỗi người đều có hạn. Vì vậy, đừng cố chấp mà lãng phí thời gian vào những việc không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Trước tiên, hãy tập trung hoàn thành những mục tiêu mà bạn đã đề ra trước đó.
Hãy lên lịch đánh giá hiệu quả làm việc hàng quý, nó sẽ giúp bạn và nhóm của mình đưa ra những đánh giá chính xác về năng lực thực hiện các mục tiêu sắp tới.
8. "Nước đến chân mới nhảy"
Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, bạn phải chuẩn bị cho điều đó. Cố gắng đừng để bản thân rơi vào tình thế bị động. Hãy nhìn lại các sai lầm trong quá khứ để có cho mình những bài học kinh nghiệm. Khi một nhân viên xin nghỉ việc, hãy lắng nghe những phản hồi thẳng thắn từ họ. Hãy xây dựng một kế hoạch dự phòng để hạn chế những rủi ro không cần thiết.
Hãy dành ra một chút thời gian để hình dung trước điều gì có thể xảy ra và cách mà bạn sẽ xử lý nó.
9. Nghĩ rằng mình đã biết tất cả
Tất cả các nhà lãnh đạo vĩ đại đều có những cố vấn đáng tin cậy của riêng mình: Marcus Aurelius có Rusticus, Franklin Roosevelt có George Marshall... Và bạn cũng nên như vậy. Hãy tìm kiếm một người mà bạn có thể tin tưởng, trao cho bạn những lời khuyên khách quan và giúp bạn có được những góc nhìn tổng quát hơn.
Họ sẽ không thể cung cấp tất cả các đáp án mà bạn muốn, nhưng có thể giúp bạn suy nghĩ thấu đáo hơn để đi đến lựa những chọn tốt nhất.
10. Đắn đo khi đưa ra quyết định
Marcus Aurelius đã từng nói: "Hãy quyết đoán, tin tưởng vào những quyết định và hành động của mình. Đó không phải là cái chết nên đừng sợ hãi."
Mai Phương
Theo MD