Chiều 18-10, tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận sau giai đoạn khó khăn thì TP đã bộc lộ những điểm mạnh, điểm yếu.
Do đó TP.HCM không chỉ tập trung cho các giải pháp phục hồi kinh tế mà còn chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân; kiến thiết lại đô thị, sắp xếp lại dân cư và các hoạt động văn hoá tinh thần khác.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (thứ hai từ trái sang) trao đổi với Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ và các đại biểu, sáng 18-10. Ảnh: TTBC
Đối với sự quan tâm của đại biểu HĐND TP về nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp thì ông Mãi thông tin, vào thứ Bảy tuần rồi (16-10), ông và Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên đã nghe bước đầu về đề án nhà ở cho công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp. Trong đó vấn đề đặt ra là phải có chính sách, làm sao đó để trước mắt là cải tạo lại hệ thống nhà trọ.
“Nếu TP.HCM có chính sách tốt, thì có thể làm ngay trong vòng vài ba tháng nữa. Rồi vài chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn nhà trọ sẽ được cải thiện lại và để người dân có thể tiếp cận ngay. Còn nếu xây nhà 5 hoặc 10 tầng thì nhanh nhất cũng cả năm nữa mới có”- ông Mãi nói và thông tin đối với nhà ở trên kênh rạch, chung cư cũ có nguy cơ đổ nát thì cần làm ngay để giải quyết nhu cầu trước mắt. Từ đó đi đến chương trình nhà ở ổn định cho TP với đô thị quy mô 10 triệu dân, tăng dần 1 triệu dân sau mỗi nhiệm kỳ.
Theo ông Mãi, hiện UBND TP.HCM đang hoàn thiện đề án này và trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP để triển khai những việc có thể làm ngay. Từ đó, trong 1-2 tháng nữa, khi nhiều người dân trở lại TP sẽ có chỗ ở tốt hơn.
Ông Mãi khẳng định đây là việc cần sự nỗ lực rất lớn của TP.HCM trong thời gian tới. Bởi ý tưởng này không ai phản đối nhưng khi làm sẽ đụng vào các cơ chế. Đây là câu chuyện mà chúng ta phải lường trước và phải thí điểm.
Bên cạnh đó, đối với việc chăm lo cho người già neo đơn và trẻ mồ côi do COVID-19, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho hay TP sẽ có khung chính sách.
Theo ông Mãi, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP đã cùng với Hội Doanh nhân trẻ và các địa phương, tổ chức cùng tham gia chăm lo cho nhóm đối tượng này. TP cũng đã có chủ trương hỗ trợ cho các trẻ em mồ côi học đến năm 18 tuổi và tiếp tục học đại học. Sắp tới khi có khung chính sách chung, TP sẽ triển khai việc này tốt hơn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP bày tỏ việc người già neo đơn, trẻ em mồ côi do người thân mất vì COVID-19 thì rất nhiều hành động thể hiện quan tâm và chăm lo. Nhưng đây là vấn đề xã hội rất lớn, cần thực hiện cẩn trọng, sâu sắc để tránh làm tổn thương thêm cho các cụ, các cháu.
“Chúng ta thể hiện sự quan tâm nhưng không phải là thương hại. Chúng ta chăm lo nhưng không được làm tổn hại các em, càng không được lợi dụng”- ông Mãi nhìn nhận và cho biết UBND TP cũng đã giao cho Đại học Sư phạm TP đồng chủ trì, phối hợp với các lực lượng triển khai chiến lược chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người dân sau dịch.
TP.HCM không thể lo nổi an sinh nếu không có doanh nghiệp Trao đổi với các đại biểu HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhìn nhận bằng sự đoàn kết, chung sức đồng lòng mà TP đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Ông đề nghị trong giai đoạn phục hồi kinh tế sắp tới, TP cũng phải cố gắng như trong giai đoạn phòng chống dịch. Theo ông Phan Văn Mãi, một trong những việc mà TP tập trung là phải cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ, giải quyết từng vướng mắc. Chính quyền TP phải thực sự kiến tạo, lắng nghe và tháo gỡ từng vướng mắc của doanh nghiệp; còn doanh nghiệp cũng tái cấu trúc để phát triển hơn. Ông cho rằng, nếu vừa rồi không có sự đóng góp của các doanh nghiệp, của người dân thì TP không lo nổi nguồn lực vật chất, phương tiện cho bệnh viện dã chiến, xe cứu thương, máy thở, trang thiết bị y tế và kể cả an sinh… “Ngay khi ngân sách chúng ta có sẵn hàng chục ngàn tỉ đồng thì có khi chúng ta cũng không thể mua được trang thiết bị với cơ chế, quy trình của chúng ta”- ông Mãi nói. |