Những người nông dân kỳ lạ
Hồi chuông điểm 6 giờ vang lên vào một buổi tối cuối hè ở quảng trường trung tâm Hoàng Cương, Thâm Quyến - nơi người dân đi chân đất, ngồi trên bậc đá mà tổ tiên họ vất vả xây dựng. Xung quanh đó, hoạt động thương mại, ăn uống diễn ra tấp nập nhưng chẳng khác mấy so với một khu phố cổ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hãy nhìn phía trên cái cây cổ thụ gần ngôi đền cổ. Phía sau đó là một tòa tháp chọc trời bóng bẩy.
Đó là tháp thương mại Hoàng Cương và ngôi làng này sở hữu một phần tòa tháp 62 tầng đó. Bên trong tòa nhà có khách sạn hạng sang, một trung tâm mua sắm và rất nhiều diện tích cho các mục đích khác. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một phần trong danh mục đầu tư khổng lồ của làng.
Giống những nhà đầu tư chuyên nghiệp của phố Wall hay ở London, hầu hết các ngôi làng ở Thâm Quyến đều chấp thuận nguyên tắc đầu tư cơ bản giống như phần còn lại của thế giới: Đa dạng hóa danh mục. Trong khi đó, Hoàng Cương được coi là Hồng Kông thu nhỏ, với đủ các dịch vụ "sang chảnh bậc nhất".
Tuy nhiên, trước những năm 1980, người dân nơi đây vất vả mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá và trồng lúa. Thậm chí, nhiều người ở đây còn liều mạng bơi qua vịnh để tới được Hồng Kông khi nó vẫn là thuộc địa của Anh. Những người ở lại, cùng với con cháu của họ, được coi là người "gốc" Thâm Quyến. Tiền tố trên căn cước công dân của họ đều bắt đầu bằng 44303 và tất cả họ đều thành viên Dân tộc Choang.
Sự đổi thay bước ngoặt xảy ra khi Thâm Quyến trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc. Cùng với đó là một sự bùng nổ về mọi mặt. Tuy nhiên, những người nông dân ở Thâm Quyến có cách làm tương đối khác biệt, điều mang lại cho họ sự giàu có ngoài sức tưởng tượng.
Tượng bốn con bò đực bằng đồng được đặt ở trung tâm ngôi làng đô thị này để vinh danh người mà dân làng gọi là "Cao Bồi". Tên ông ấy là Zhuang Shunfu, 71 tuổi, là trưởng làng và cũng là người đầu tiên làm cho ngôi làng trở nên giàu có. Dù nhiều nỗ lực nhưng Zhuang đều từ chối trả lời phỏng vấn.
Câu chuyện của Zhuang trở thành huyền thoại của địa phương. Ông trùm bất động sản Trung Quốc Wang Shi nhớ lại trong cuốn tự truyện của mình rằng: Cuối những năm 70, chàng cao bồi táo bạo vẫn là người bán hàng rong quanh Thâm Quyến trên một chiếc xe đạp. Khi đó, Hoàng Cường là vùng đất tù túng và mọi người sống trong nghèo khổ.
Khi Thâm Quyến phát triển, "Cao Bồi" đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Ông thành lập đội xe tải để thu thập cát từ sông Thâm Quyến lên làm nguyên liệu trộn bê tông. Sau đó, ông xây dựng các liên doanh công nghiệp và kêu gọi tiền đầu tư từ dân làng, những người được bồi thường đất đai. Sau đó, họ lấn sang bất động sản và nhiều ngành kinh doanh khác.
Những người chân đất sở hữu khối tài sản khổng lồ
Nằm cách Hồng Kông chỉ 14 phút đi tàu cao tốc, "dân phố cổ" ở Thâm Quyến – thung lũng Silicon của Trung Quốc, đang giàu hơn phần còn lại của đất nước. Từng là những người nông dân, cuộc sống của họ đã sang trang kể từ những năm 1980 của thế kỷ trước, thời điểm Trung Quốc ban bố cơ chế đặc biệt cho làng chài nằm ngay sát Hồng Kông này.
Tàu cao tốc Vibrant Express có thể đi từ Hồng Kông tới Thâm Quyến chỉ trong 14 phút. Ra khỏi ga Futian ở trung tâm thành phố, người ta sẽ thấy một cảnh tượng không thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào khác: Một thành phố sầm uất mọc lên ở nơi mà những năm 1980 vẫn là tập hợp các ngôi làng rách nát, nghèo khổ.
Ngày nay, những người từng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trên những cánh đồng lúa ở Thâm Quyến lại đang sở hữu những căn nhà sang trọng, đi những chiếc Porsche trị giá 380.000 hoặc thậm chí nếu đủ giàu, họ còn có thể có những hợp đồng làm ăn tại Thung lũng Silicon của Trung Quốc.
Ngoài các cửa hàng bán đồ Gucci và Louis Vuitton, khung cảnh cũng đã thay đổi rất nhiều dù nếu nhìn kỹ, dấu vết những ngôi làng xưa kia vẫn còn tồn tại. Thực tế, người dân gốc ở Thâm Quyến đang sở âm thầm sở hữu những tài sản khổng lồ và khiến phần còn lại của Trung Quốc bị bỏ phía sau. Và đó là những con số rất đáng giật mình.
Một vài thế hệ sau những người sống lay lắt từ đánh cá và làm nông nghiệp, giờ đây, 300.000 người dân gốc Thâm Quyến sở hữu tổng tài sản lên tới hơn 30 tỷ USD. Đặc biệt hơn, sự giàu có này chính là "phước lành" của số phận.
Năm 1980, Trung Quốc công bố Thâm quyến là "đặc khu kinh tế thân thiện với cơ chế thị trường". Đây là đặc khu đầu tiên. Ngay nay, những ngôi làng nằm gần cảng Hoàng Cương và ga Futian lại chính là những bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Tổng cộng, những ngôi làng này tương đương 1/5 diện tích Thâm Quyến, một đô thị 17 triệu dân.
Trong nhiều thập kỷ, các trưởng lão ở những ngôi làng này đã quản lý một cách khéo léo tài sản thừa kế của họ, đa dạng hóa tài sản trong gần 1.000 "tập đoàn làng" độc lập với nhau. Những người thừa kế của họ hiện được xếp hàng đầu trong số những công dân hưởng đặc quyền lớn nhất của Trung Quốc, tương đương hậu duệ những gia tộc giàu có nhất ở Manhattan, Mỹ.
Cùng với sự bùng nổ ở Thâm Quyến, rất nhiều người tìm tới nơi đây với mong muốn đổi đời. Và rất nhiều trong số họ ở trọ trong những ngôi nhà mà người dân gốc Thâm Quyến xây lên để cho thuê trên bất động sản mà chính cha ông họ để lại.
Dẫu vậy, vẫn có những vấn đề liên quan tới tham nhũng, nhận hối lộ từ lãnh đạo các "tập đoàn làng" này. Nhà chức trách Thâm Quyến cũng đã ra tay điều tra và ban hành các quy định. Trước đây những người gốc Thâm Quyến từng được nhiều ưu đãi hơn. Trong những năm 1980, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng quốc gia này "sẽ để một số người giàu trước". Người dân Thâm Quyến chính là những người được quyền đó.
Tuy nhiên, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc tới "thịnh vượng chung" và thẳng tay nhằm vào những tập đoàn hàng đầu đất nước, trong đó nhiều tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến. Các nhà đầu tư toàn cầu đã bị sốc. Thậm chí, những người bi quan nhất còn mô tả Trung Quốc là "không thể đầu tư". Có những thời điểm, 1,5 nghìn tỷ USD đã bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc. Các bô lão ở thành phố này – những người mà căn cước công dân bắt đầu bằng tiền tố 44030, đã nhóm họp để tìm đáp án cho câu hỏi: "Liệu vận may của họ đã kết thúc?".