Dự án khách sạn, biệt thự mang danh “khu vườn”
Dự kiến trong quý IV này, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Đại Long Group (Công ty Đại Long) sẽ tiến hành khởi công, xây dựng dự án Khu vườn đảo hoang và hoài niệm thuộc Khu du lịch văn hóa sinh thái núi Trường Lệ (Khu vườn đảo hoang và hoài niệm) tại Tp.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đây là dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 4680/UBND-THKH ngày 12/4/2021, sau khi điều chỉnh một số nội dung so với chấp thuận lần đầu từ năm 2018 cho Công ty Đại Long.
Theo đó, quy mô dự án trải dài trên diện tích khoảng 222.502m2 tại khu vực phía Nam núi Trường Lệ. Trong đó, có 206.829,9m2 đã được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 1959/QĐ-UBND ngày 24/5/2019.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 395 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư khoảng 119 tỷ đồng, chiếm 30%, còn lại là nguồn vốn được huy động từ ngân hàng.
Dự án mang tên “Khu vườn đảo hoang và hoài niệm” khiến người nghe mộng tưởng về khu “vườn địa đàng”. Tuy nhiên, theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3890/QĐ-UBND ngày 11/11/2014, phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 3 số 3597/QĐ-UBND ngày 1/9/2020 thì đây là dự án dịch vụ du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao trở lên, với quần thể khách sạn cùng những căn biệt thự thấp tầng trên núi Trường Lệ.
Xén rừng đặc dụng, thực hiện dự án trên núi thiêng
Trong chấp thuận chủ trương dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành, mục tiêu dự án nhằm “đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách; đồng thời, góp phần hiện thực hóa quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và tăng thu ngân sách nhà nước”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, để thực hiện dự án này, tỉnh Thanh Hóa đã "hy sinh" hơn 22ha rừng đặc dụng. Mặc dù trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-UBND ngày 16/7/2013, phê duyệt kế hoạch bảo tồn, phát triển rừng đặc dụng trên núi Trường Lệ đến năm 2020, với một trong những lý do nhằm "huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, các tổ chức trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, góp phần tạo cho Khu du lịch Sầm Sơn một sức thu hút mới để phát triển thành một đô thị du lịch biển hoạt động bốn mùa".
Trong khi đó, trên địa bàn Tp.Sầm Sơn đã và đang triển khai nhiều dự án nghỉ dưỡng chất lượng như dự án của FLC Group hay của Sun Group... có thể đáp ứng, cung cấp cho thị trường nghỉ dưỡng Sầm Sơn nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, thậm chí cao hơn nữa.
Đồng thời, dự án mà Công ty Đại Long sắp triển khai nằm ngay cạnh di tích văn hóa lịch sử Đền Cô Tiên và án ngữ ngay trước mặt di tích Hòn Trống Mái. Vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cảnh quan và ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình thi công dự án.
"Việc xây khách sạn, biệt thự trên núi Trường Lệ tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng tới môi trường du lịch sinh thái núi Trường Lệ, khi thực hiện dự án là rất cao", anh Nguyễn Hữu Đ., một người kinh doanh khách sạn tại Tp.Sầm Sơn chia sẻ quan điểm.
Đối với người dân Sầm Sơn, Trường Lệ là ngọn núi thiêng. Nơi đây, gắn liền với nhiều huyền thoại, di tích đã được người dân hình tượng hóa và tôn thờ như: Đền thờ Thần Độc Cước, Đền Cô Tiên, Tô Hiến Thành, Hòn Trống Mái... Đồng thời, năm 2019, Chính phủ đã công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt đối với quần thể các danh thắng trên núi Trường Lệ, khẳng định cho những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn trên ngọn núi này.
“Cảnh tượng một doanh nghiệp sẽ xén rừng, đào núi, xây khách sạn, biệt thự ngay cạnh các di tích lịch sử văn hóa lâu đời trên núi Trường Lệ là chuyện đau lòng. Trước đây, đã từng có dự án du lịch chắn ngay đầu núi, dưới chân Đền Độc Cước nhưng được một thời gian thì phải phá bỏ. Tuy nhiên, cảnh quan đã không còn được như xưa khi nhiều mỏm đá lớn đã bị doanh nghiệp phá mất trong quá trình xây dựng”, một cụ già sống gần Đền Độc Cước cho biết.
Bên cạnh đó, những di tích lịch sử, văn hóa lâu đời trên núi thiêng Trường Lệ là niềm tự hào, giúp truyền dẫn những truyền thống của cha ông đến với du khách, bè bạn muôn phương.
“Núi Trường Lệ là địa điểm mà tôi luôn phải giới thiệu bạn bè và du khách tới thăm quan mỗi khi về Sầm Sơn. Trên đó lưu giữ những giá trị cốt lõi của truyền thống lịch sử, văn hóa con người nơi đây thông qua những thắng cảnh đã được xếp hạng”, chị Lê Thị Liên, chủ cửa hàng Hubway tại bãi biển Tp.Sầm Sơn chia sẻ.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, bên trong khu vực dự án, hiện vẫn có hàng ngàn héc-ta rừng đặc dụng xanh ngút tầm mắt, là “lá phổi xanh” cho Tp.Sầm Sơn đang trên đà đô thị hóa nhanh chóng, nhưng sắp phải nhường chỗ cho những khối bê tông lạnh ngắt khi dự án triển khai.
Đồng thời, ẩn dưới những tán rừng đặc dụng là 2 bến thuyền độc đáo, "giấu mình" vào trong núi. Đây là nơi neo đậu thuyền của nhiều ngư dân địa phương, nhưng có thể sắp tới cũng phải nhường chỗ cho dự án “khu vườn đảo hoang”.
Tuy đường vào bến khó khăn nhưng hai bến thuyền này là nơi nhiều ngư dân vẫn chọn làm bến đậu do khuất gió, dễ ra vào và đi tới ngư trường cũng gần hơn so với các bến thông thường khác. Với điều kiện lý tưởng như vậy nên nơi đây các cụ cao tuổi vẫn thường lựa chọn làm nơi huấn luyện cho những ngư dân trẻ học nghề.
“Gia đình tôi đã ở đây hàng thế kỷ rồi, từ thời cha tôi. Người ta cũng đã thông báo về dự án, tuy nhiên tôi cũng chưa biết khi nào người ta sẽ di dời chúng tôi đi nơi khác”, cụ Hoàng Thị Lan, chủ bến thuyền Bể Lãn ngậm ngùi nói.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Bà Đàm Thị Thái, Trưởng phòng Văn Hóa Tp.Sầm Sơn cho biết, dự án Khu vườn đảo hoang và hoài niệm đã được chấp thuận đầu tư. Để bảo vệ các di tích lịch sử cũng như nguy cơ phá vỡ cảnh quan trên núi Trường Lệ, cơ quan này sẽ giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án và có biện pháp xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu xâm phạm các di tích.
Tỉnh Thanh Hóa đang trên đà phát triển thành một cực tăng trướng mới ở phía Bắc, phố biển Sầm Sơn cũng đang hòa mình vào sự phát triển đó với hàng loạt dự án đang làm thay đổi diện mạo địa phương. Tuy nhiên, dự án trên có thực sự cần thiết khi phải đánh đổi hàng chục héc-ta rừng đặc dụng và nguy cơ phá vỡ cảnh quan linh thiêng trên ngọn núi thiêng Trường Lệ?
Trong Quyết định 2466/QĐ-UBND năm 2013 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu Du lịch Văn hóa – Sinh thái núi Trường Lệ đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa nêu rõ một số mục tiêu:
Quản lý, bảo vệ Khu Di tích lịch sử văn hóa núi Trường Lệ đảm bảo phát triển bền vững, bảo tồn di tích, phát triển du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư bảo vệ rừng, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với không gian và cảnh quan; tăng cường nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn di tích.
Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng.
Thực hiện các chính sách về đầu tư phát triển rừng đặc dụng; tạo sinh kế nâng cao đời sống của người dân; thực hiện liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về nghiên cứu, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Phát huy thế mạnh, tiềm năng của tài nguyên rừng và cảnh quan thiên nhiên, lợi thế về vị trí địa lý, các di tích văn hóa lịch sử trong vùng để phát triển các điểm du lịch sinh thái, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Việt Phương