Đạo diễn Hồng Ánh trên trường quay phim Đảo của dân ngụ cư - Ảnh: ĐPCC
Chiều 19-10, tọa đàm "In Her Voice" được UNESCO và nhiều bên phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, lắng nghe và quan tâm hơn tới tiếng nói của các nhà làm phim nữ tại Việt Nam.
Tại sao đạo diễn nữ phải dịu dàng mới được tôn trọng?
Trong chương trình, một khán giả đặt câu hỏi: "Khi làm việc với đoàn phim toàn nam giới, nhà làm phim nữ có cách gì để nhận được sự tôn trọng, được nhìn nhận năng lực đúng đắn?".
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, người hợp tác lâu năm với vợ là đạo diễn Nhuệ Giang, nêu ý kiến: "Quan trọng nhất và hiệu quả nhất là sự quyết đoán của người đạo diễn nữ nhưng lại trong sự dịu dàng, chứ không cứ phải đàn ông, phải ồn ào. Tôi đảm bảo phương cách ồn ào sẽ thất bại vì người ta chỉ cố phục tùng thôi chứ không sáng tạo, không hợp tác".
Vũ khí mạnh nhất của đạo diễn nữ là sự dịu dàng, nhẫn nại. Đạo diễn nữ cần có sự nhẹ nhàng, dịu dàng, kiên nhẫn để đạt được mục đích của mình".
Đạo diễn Ngô Thanh Vân trên trường quay Thanh Sói - Ảnh: STUDIO68
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp dẫn ý kiến một nhà làm phim nữ phản hồi trực tuyến với ý kiến này: "Phụ nữ không nhất thiết phải dịu dàng mới được tôn trọng. Nam giới lên hiện trường quát tháo đôi khi cũng có được nể đâu? Tại sao phải quy định là có phẩm chất a, b, c mới được tôn trọng? Thứ khiến mọi người được tôn trọng là khả năng làm nghề".
Nguyễn Hoàng Điệp cũng chỉ ra lỗi tư duy nhỏ trong câu hỏi: "Khi đặt câu hỏi về giới tính là làm sao để đạo diễn nữ có tiếng nói trong đoàn làm phim đông nam giới thì bạn đã có suy nghĩ mặc nhiên rằng đạo diễn nữ luôn có tiếng nói yếu hơn, ít được lắng nghe hơn nam giới trên hiện trường. Nếu bạn có suy nghĩ đó thì điều đầu tiên là phải thay đổi đã.
Không có tiếng nói của giới tính nào thấp hơn giới tính nào, mà là tiếng nói nào cần được lắng nghe trên hiện trường".
Trong khi đó, đạo diễn Nhuệ Giang lại khá đồng tình với ý kiến của đạo diễn Thanh Vân. Chị cho rằng không có nhiều phụ nữ ra hiện trường mà quát tháo ồn ào vì họ "luôn phải nghĩ cách thuyết phục các anh nam giới". Vì đạo diễn là người hiểu rõ kịch bản nhất nên cần có cách truyền đạt cho mọi người hiểu được.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tuyển diễn viên cho dự án phim Câu chuyện buồn nhất thế gian - Ảnh: NVCC
Không có tiếng nói của giới tính nào thấp hơn giới tính nào, mà là tiếng nói nào cần được lắng nghe trên hiện trường
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp
Đạo diễn, biên kịch Petra Volpe (người Thụy Sĩ) nhận định: "Đạo diễn là lãnh đạo, người lãnh đạo phải biết quan sát toàn bộ đoàn làm phim của mình.
Trong vai trò lãnh đạo có một phần giống người mẹ, hãy coi những người trong đoàn làm phim của mình như những người con để mình hướng dẫn, chỉ bảo. Vấn đề không chỉ là làm xong bộ phim mà phải tạo ra môi trường thoải mái để mọi người đều cảm thấy được tôn trọng".
Phải nấu cơm ngon, phải uống rượu giỏi
Đạo diễn Nhuệ Giang nêu dẫn chứng về khó khăn chị gặp phải khi làm phim: phải biết uống rượu.
Chị kể: "Thời tôi làm phim có cái khó là cứ phải ngồi uống rượu để thuyết phục người khác làm theo ý mình. Chỉ anh lái xe thôi nhưng cũng rất quan trọng. Vì đi quay phải vào bối cảnh ở Sa Pa cách 30km, nếu lái xe từ chối vì xe không lên được thì tôi rất đau khổ.
Bối cảnh ấy tôi phải chọn khắp 4 tỉnh và rất phù hợp. Lúc đó, anh Thanh Vân lại uống được rượu nên đã thuyết phục được anh lái xe.
Môi trường làm phim ở Việt Nam thường khá đông nam giới - Ảnh: STUDIO68
Nhưng tôi mong không phải làm phim theo cách uống rượu mới thuyết phục được nhau. Một khi đạo diễn đã quyết định thì các thành viên trong đoàn phải thực hiện, bất kể đạo diễn là nam hay nữ".
Chị cho rằng dù là nam hay nữ, đạo diễn đều phải chịu trọng trách ngang nhau: đảm bảo được tiến độ công việc và tính nghệ thuật, không thể để giữa chừng đổ bể vì "phim chưa xong mà tiền đã hết".
Đạo diễn luôn căng thẳng vì trách nhiệm giữa nghệ thuật và kinh tế của phim nên không nên đặt ra những đòi hỏi riêng cho phụ nữ làm phim.
Nhuệ Giang cũng không cho rằng cứ là nữ thì "phải nũng nịu để đạt được mục đích".
TTO - Phim Hàn Quốc 'The Apartment with Two Women' và phim Trung Quốc 'Farewell, My Hometown' cùng giành giải New Currents tại Liên hoan phim quốc tế Busan. Cả hai phim đều có chủ đề nữ giới.