Ngày 18-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Georgia - nước đầu tiên trong chuyến công du của ông tới ba nước trong khu vực Biển Đen gồm Georgia, Romania và Ukraine, theo tờ The Washington Post. Đây cũng là chuyến thăm Georgia đầu tiên của một bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kể từ năm 2014.
Dự kiến sau khi hoàn thành thăm ba nước nói trên, ông Austin sẽ đi thẳng tới thủ đô Brussels (Bỉ) để dự Hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng thuộc khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuối tuần này.
Phái bộ ngoại giao Nga tại NATO sẽ ngừng hoạt động từ ngày 1-11, sau khi NATO trục xuất tám thành viên phái bộ Nga. Phái bộ quân sự của NATO tại Moscow cũng phải ngừng hoạt động sau mốc thời gian này. Ngoại trưởng Nga SERGEI LAVROV thông báo ngày 18-10 |
Lo Trung Quốc, Mỹ vẫn không quên để mắt Nga
Trước khi công du ba nước Biển Đen, Bộ trưởng Austin từng khẳng định ông kỳ vọng các cuộc thảo luận với ba người đồng cấp Ukraine, Georgia và Romania sẽ làm sâu sắc hơn cam kết của Mỹ vì một “châu Âu an toàn, ổn định và thịnh vượng” thông qua các hoạt động hợp tác thực tế về an ninh và quân sự.
Lâu nay Biển Đen đã luôn là cửa ngõ an ninh, chính trị nhạy cảm ở khu vực Đông Nam Âu và là điểm nóng cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và NATO - Mỹ. Washington từ lâu xác định muốn kiểm soát được Nga thì phải duy trì hiện diện thường trực ở đây, trong khi NATO muốn giữ Biển Đen an toàn để giữ vững mạn phòng thủ phía nam của mình và hiện đang trong quá trình soạn thảo định hướng chiến lược tương lai về vấn đề này. Với bối cảnh như vậy, chuyến công du của ông Austin lúc này mang nhiều ý nghĩa quan trọng.
Trước tiên, đây là bước đi cụ thể nhằm triển khai chiến lược đối ngoại mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden sau một thời gian bị đình trệ vì đại dịch COVID-19. Hồi tháng 3, ông Biden từng công bố chiến lược an ninh quốc gia với nhiều nội dung nhấn mạnh sự cần thiết của việc hàn gắn mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump.
Trong chiến lược mới, dù trọng tâm được Washington xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, song không vì thế mà Washington giảm nhẹ sự quan tâm đối với khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Chuyến thăm ba nước Biển Đen của ông Austin mang theo thông điệp rõ ràng rằng chính quyền Tổng thống Biden không hề có ý định bỏ rơi các đồng minh và đối tác truyền thống ở châu Âu, nhất là những nước nằm vùng ven phía đông đang phải chịu áp lực rất lớn từ hiện diện quân sự của Nga.
Lực lượng Mỹ - NATO và các nước đối tác tham gia cuộc diễn tập Sea Breeze 2021 tại Biển Đen hồi tháng 7. Ảnh: GETTY IMAGES
Chuyến đi cũng diễn ra giữa lúc hai nước Georgia và Ukraine đang tăng tốc hết mức trong nỗ lực xin gia nhập NATO. Sự có mặt của ông Austin nhiều khả năng sẽ giúp quá trình này diễn ra thuận lợi hơn, dù rằng khả năng cao là các nước này vẫn sẽ tiếp tục phải chờ đợi vì NATO vẫn đang phải đánh giá xem liệu việc kết nạp Georgia và nhất là Ukraine có làm gia tăng rủi ro đụng độ với Nga hay không.
Điểm cuối cùng là chuyến thăm ba nước Biển Đen ngay trước thềm hội nghị NATO là thông điệp cho thấy Mỹ muốn NATO tiếp tục xem Nga là một đối trọng an ninh và chiến lược đối phó toàn diện cần được đưa ra thảo luận tại hội nghị.
Chiến lược kiềm chế Nga đang hình thành
Theo báo cáo của tổ chức The Heritage Foundation (Mỹ), việc chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục ưu tiên củng cố quan hệ hai bờ Đại Tây Dương và tham gia vào cấu trúc an ninh châu Âu là bước đi đúng đắn. Điều này mang tính kế thừa những đặc điểm của chiến lược từ các đời tổng thống trước phải giữ mối đe dọa từ Nga hậu Liên Xô trong tầm kiểm soát.
Trên thực tế, nhìn lại những năm qua, rõ ràng Mỹ đã liên tục đẩy mạnh chính sách gia tăng ảnh hưởng, thúc đẩy hợp tác quân sự - an ninh với các quốc gia Biển Đen, với sự kiện gần đây nhất là đã ký thành công nhiều thỏa thuận hợp tác để triển khai các hệ thống tên lửa và quân đồn trú tại Ba Lan, Romania hồi năm ngoái.
Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, hoạt động quân sự của Mỹ và các nước NATO đã gia tăng một cách đáng báo động ở Biển Đen. Trong chín tháng đầu năm nay, NATO đã thực hiện hơn 800 chuyến bay do thám trên không phận vùng biển này. Hạm đội 6 Hải quân Mỹ cũng triển khai nhiều tàu chiến trang bị tên lửa tiến vào khu vực. Trên các tàu khu trục của Mỹ hiện đang ở Biển Đen được trang bị khoảng 90 tên lửa hành trình với tầm bắn khoảng 3.000 km. Số cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ, NATO với các nước bên bờ Biển Đen như Ukraine cũng gia tăng đột biến.
Các diễn biến leo thang này dĩ nhiên đã biến Biển Đen trở thành khu vực bất ổn, luôn chực chờ bùng phát nguy cơ đụng độ giữa các lực lượng phương Tây với Hạm đội Biển đen Hải quân Nga cũng đang hoạt động ở đây. Một số vụ đụng độ nhỏ cũng đã từng xảy ra trong quá khứ như vụ Nga bắt tàu hải quân Ukraine ở eo biển Kerch hồi năm 2018, hay gần đây là vụ Nga nổ súng cảnh cáo tàu khu trục hạm HMS Defender thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đi vào hải phận Nga ở Biển Đen.
Nhìn chung, chuyến thăm các nước Biển Đen của ông Austin kết hợp việc tăng cường hoạt động quân sự chung NATO - Mỹ phản ánh các đặc điểm quan trọng của chính sách mới của chính quyền ông Biden về Nga là tìm cách vây quanh Nga bằng sức mạnh quân sự tổng hợp, thu hẹp không gian phát triển của hải quân nước này. Sau đó, Mỹ tìm cách lôi kéo thêm nhiều đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm gây áp lực kép với Moscow trên mặt trận chính trị.•
Nga ngày càng khẳng định vị thế ở Biển Đen Theo tạp chí Foreign Affairs, Nga thời gian qua đã tái khẳng định vị thế thống trị của mình ở Biển Đen thông qua việc xây dựng lực lượng hải quân vượt trội so với các nước khác trong khu vực. Tổng thống Vladimir Putin đã nỗ lực hồi sinh sức mạnh hàng hải của Nga kể từ khi ông bước chân vào điện Kremlin, đảo ngược thời kỳ hải quân suy tàn và nhanh chóng tạo ra một lực lượng hải quân nhanh nhẹn, hiện đại và đa năng hơn. Từ năm 2014, Nga đã tiến xa hơn khi bố trí các cơ sở, quân đội và vũ khí mới ở Biển Đen, từ đó giúp nước này gia tăng ảnh hưởng ở phía đông Địa Trung Hải - khu vực đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự của Moscow ở Syria. Nga cũng đã hiện đại hóa căn cứ hải quân tại TP Tartus (Syria) như một phần của nỗ lực trở lại Trung Đông trên phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, Foreign Affairs cho rằng các động thái của Nga đã khiến các quốc gia khác tiếp giáp Biển Đen như Georgia và Ukraine rất lo ngại. Hai nước này sẽ phải giữ khoảng cách với Moscow và tìm cách hợp tác với NATO tăng cường khả năng phòng thủ trên biển để tự bảo vệ không gian an ninh của mình. Hai quốc gia Biển Đen nổi bật khác là Romania và Bulgaria cũng có cảm quan tương tự. Romania, một đồng minh trung thành của NATO, liên tục cảnh giác với khả năng quân sự của Nga và nghi ngờ về ý định của Moscow. Bulgaria, cũng là thành viên NATO, tuy có quan hệ gần gũi và phức tạp hơn với Moscow nhưng nước này vẫn cam kết hội nhập với phương Tây. Cả Romania và Bulgaria đều ủng hộ sự hiện diện lớn hơn của Mỹ và NATO trong khu vực để cân bằng lại với Nga. |