Thời gian qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương, ảnh hưởng đến tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu. Mặc dù các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp để trái cây được thu mua, thông quan, tiêu thụ và xuất khẩu nhưng một số thời điểm gặp khó khăn, dẫn đến giá thu mua thấp.
Có thời điểm, giá một số loại trái cây chính vụ giảm từ 20 đến 50%. Cùng với đó, chi phí sản xuất tăng cao đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân trong vùng.
Ngậm ngùi trái cây rớt giá
Tại tỉnh Tiền Giang, riêng cây thanh long với sản lượng lớn nhưng do thu hoạch đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên thương lái gặp khó khăn trong thu mua, nhân công thu hoạch không có khiến giá trái cây giảm sâu, khó tiêu thụ.
Tại tỉnh Hậu Giang, mít Thái từng ở mức giá vài chục ngàn đồng/kg, nhưng trong những tháng qua, giá nhiều lúc chỉ ở mức 3.000 – 5.000 đồng/kg. Nếu ở thời điểm giá mít ở mức cao, trước đây, mỗi trái mít nhà vườn thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng thì gần đây, giá chỉ còn ở mức 20.0000 – 30.000 đồng/trái. Giá rẻ đi kèm với việc thiếu người mua, mít chín không kịp thu hoạch nhiều nhà vườn đành phải bỏ.
Không chỉ mít Thái, các loại trái cây khác như xoài, chanh không hạt, dưa lưới… ở Hậu Giang cũng rớt giá mạnh. Dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trong nước, khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, từ đó trái cây thu hoạch xong không có đầu ra ùn ứ nhiều, giá giảm mạnh không chỉ làm cho nhà vườn lao đao mà các chủ vựa trái cây cũng gặp khó.
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá bưởi da xanh đang được nông dân tại bán cho thương lái với mức giá giảm gần 50% so với hồi đầu năm và đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua.
Cụ thể, tại Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… bưởi da xanh hàng tuyển lựa loại 1 các chủ vườn bán buôn cho thương lái và các vựa thu mua trái cây với giá từ 15.000-18.000 đồng/kg. Còn bưởi da xanh (trọng lượng từ 1kg/trái trở lên) nhiều nhà vườn bán xô ngay tại vườn chỉ từ 10.000-12.000 đồng/kg, trong khi hồi đầu năm giá trên dưới 20.000 đồng/kg.
Tại Tp.Cần Thơ, bưởi da xanh loại từ 1 kg/trái trở lên bán lẻ tại điểm kinh doanh trái cây với giá 25.000-35.000 đồng/kg, còn giá bán tại nhiều siêu thị và cửa hàng tự chọn ở mức 35.000-45.000 đồng/kg.
Còn ở huyện Kế Sách, nơi được ví là “vựa” nông sản của tỉnh Sóc Trăng, giá các loại trái cây như bưởi, cam sành… giá cũng giảm từ 40% đến trên 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài bưởi da xanh, chôm chôm cũng bị rớt giá mạnh. Trong đó, chôm chôm Java và chôm chôm Thái thời gian trước bán được giá thì hiện tại giá chôm chôm Java bán tại vườn chỉ còn 6.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước; chôm chôm Thái có giá 15.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 18.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, giá bán một số cây ăn quả chính vụ có thời điểm ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm trước như: Chôm chôm, sầu riêng giảm khoảng 20 đến 30%. Nguyên nhân là do thiếu thương lái, ngưng thu mua; việc vận chuyển giữa các địa phương trong vùng gặp khó khăn; giá vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tăng, cùng với đó thiếu nhân công lao động, khiến chi phí tăng theo.
Tp.Hưng Yên vốn là thủ phủ của nhãn lồng "tiến vua", với hơn 1.000 ha. Năm nay, người trồng nhãn ngậm ngùi vì vụ này nhãn không chỉ bị mất mùa mà còn rớt giá, khó tiêu thụ. Khi vào thời điểm chính vụ, giá nhãn tụt giảm từ 30-50% mà vẫn khó bán.
Cụ thể, nhãn ngon chỉ từ 20.000-35.000 đồng/kg; nhãn đại trà từ 12.000-18.000 đồng/kg; nhãn làm long từ 6.000-9.000 đồng/kg, thậm chí ở các huyện Khoái Châu, Phù Cừ, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ có lúc chỉ 3.000-5.000 đồng/kg mà vẫn ế.
Nâng cao chất lượng chinh phục thị trường khó tính
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ nông sản trên thế giới đang gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, vận chuyển thuận lợi hơn... tạo cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam bứt phá.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T (Tp.HCM), dự báo những tháng cuối năm là cơ hội xuất khẩu trái cây vì thời điểm này nhu cầu tiêu thụ cao nhất trong năm. "Trong tháng 10, tình hình kẹt container trên các thị trường tiêu thụ rất nghiêm trọng do các nước chuẩn bị trữ hàng cho mùa tiêu thụ cuối năm. Mặt hàng trái cây không trữ được thường sẽ được mua vào tháng 11, khi đó tình hình kẹt tàu, kẹt cảng đã bớt căng thẳng. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng được lượng hàng xuất khẩu vì nhu cầu đặt hàng của các đối tác rất lớn", ông Tùng chia sẻ.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng đạt doanh thu xuất khẩu 3,5 tỷ USD trong năm nay, thay vì 4 tỷ USD như kế hoạch từ đầu năm. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký hiệp hội, cho rằng do ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng đáng kể nhờ xuất khẩu tốt vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á, Trung Đông và cả thị trường Úc. Trước đây, rau quả lệ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc với tỉ trọng chiếm khoảng 70% thì nay giảm còn 58%. Các thị trường khác trước đây chỉ chiếm 30% thì nay tăng lên 42%-50% và chất lượng rau quả của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể để tham gia những thị trường khó tính.
Đẩy mạnh xây dựng mã vùng trồng
Bà Nguyễn Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật- cho biết: Hiện nay, Bộ NN&PTNT có chủ trương hướng dẫn các địa phương thiết lập và quản lý các vùng trồng nhằm đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm trồng trọt, truy xuất nguồn gốc và thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, hướng đến một nền nông nghiệp minh bạch, bền vững và trách nhiệm.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng một số vùng nguyên liệu trọng điểm phục vụ xuất khẩu, quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng đã cấp và hỗ trợ các địa phương xây dựng mã số vùng trồng mới để chủ động kết nối thông tin với thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu cho nhiều loại sản phẩm trồng trọt khác nhau.
Đào Vũ (Tổng hợp từ báo Công Thương, Infonet, Người Lao Động, VOV)