Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 75 xu Mỹ lên 85,08 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 52 xu Mỹ lên 82,96 USD/thùng. "Vàng đen" đã lên giá trong hai tháng qua. Kể từ đầu tháng Chín, giá dầu Brent đã tăng khoảng 19% trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 21%.
Theo các chuyên gia, tốc độ phục hồi của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, kết hợp với nhu cầu sử dụng năng lượng trên thế giới đang bước vào mùa cao điểm, tuy nhiên việc tăng sản lượng khai thác của các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn vẫn ở mức cầm chừng là những nguyên nhân khiến giá nhiên liệu, trong đó có giá dầu thô tăng mạnh trong những tuần gần đây.
Louise Dickson, chuyên gia phân tích thị trường dầu tại công ty nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy (Na Uy), nhận định thị trường dầu mỏ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến lượng hàng tồn kho giảm sâu và dầu lên giá. Theo ông Dickson, tình trạng thắt chặt trên thị trường này sẽ kéo dài trong phần lớn năm 2022.
Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định giá dầu, than đá và khí đốt sẽ duy trì đà tăng khi Bắc Bán cầu bước vào mùa Đông và nhu cầu sưởi ấm gia tăng. Trang dự báo thời tiết AccuWeather.com cho biết thời tiết lạnh giá đã bắt đầu "đổ bộ" vào Trung Quốc, với dự báo nhiệt độ sẽ giảm xuống 0 độ tại các khu vực miền Bắc. Dự đoán, mùa đông này sẽ rất lạnh.
Hiện nay các nước OPEC+ đang chịu áp lực lớn từ các quốc gia sử dụng nhiều dầu mỏ để gia tăng sản lượng khai thác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình trạng khan hiếm ở một số nền kinh tế lớn có thể còn kéo dài cho đến cuối năm.
Mới đây, CNBC dẫn nhận định của một chiến lược gia về dầu mỏ cho biết, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng khi mùa đông đến và OPEC+ từ chối bơm thêm dầu. Một số nhà giao dịch đang đặt cược vào khả năng giá dầu Brent giao dịch tại thị trường London - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đạt 200 USD/thùng vào tháng 12/2022.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng 5 triệu thùng/ngày trong năm, lên mức trung bình 97,4 triệu thùng/ngày so với mức giảm mạnh 8,6 triệu thùng/ngày trong năm 2020, trước khi đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày vào năm 2022, gần tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch (2019).
VTV.vn - Các hợp đồng quyền chọn đặt cược vào sự tăng giá của dầu thô đang được giao dịch với tốc độ bùng nổ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.6953501102011202-man-ueihn-gnort-tahn-oac-cum-nag-hcid-oaig-gnad-ioig-eht-uad-aig/et-hnik/nv.vtv