Theo một khảo sát mới đây về tình hình "sức khoẻ" doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, gần một nửa doanh nghiệp cho biết họ chậm giao hàng cho đối tác do dịch bệnh và các biện pháp hạn chế di chuyển khiến thiếu hụt lao động, nguồn cung nguyên vật liệu đứt gãy.
Trong thời gian giãn cách xã hội, đơn vị cung cấp nguyên vật liệu chỉ đáp ứng được 60% công suất của nhà máy Công ty thời trang STAR. Doanh nghiệp đã phải chủ động tìm kiếm các nguồn thay thế, nỗ lực giao hàng đúng hẹn với đối tác.
"Chúng tôi làm việc với các nhà cung cấp để yêu cầu ưu tiên sản xuất, cung cấp cho chúng tôi. Hoặc họ có thể chuyển đơn hàng sang nhà máy khác để họ sản xuất cho chúng tôi", Giám đốc kế hoạch Công ty thời trang STAR Nguyễn Văn Tre cho biết.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dệt may, da giày là 2 ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế. Dệt may có khoảng 2 triệu lao động (chiếm 25% lao động toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo). Da giày cũng sử dụng khoảng 1,4 triệu người. Để tăng tốc phục hồi, các doanh nghiệp kiến nghị được tăng giờ làm thêm vượt khung của công nhân.
Nếu trong quý 4, tất cả các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tỷ lệ lao động cao thì kịch bản xuất khẩu của riêng ngành dệt may có thể đạt 37,5 - 38 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Vừa qua, Thường vụ Quốc hội đã dự thảo để nâng số giờ làm việc ngoài giờ từ 200 lên 300 giờ. Với tính đặc thù của ngành da giày, chúng tôi đề xuất nâng lên 400 giờ. Vì khi chúng ta mở rộng thêm giờ làm thêm này sẽ giúp cho việc thực hiện đơn hàng nhanh chóng, bù đắp lại thời gian đã dừng, tạo thêm thu nhập cho người lao động", Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho hay.
Lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là chất lượng và tốc độ giao hàng. Các doanh nghiệp trong ngành khá tự tin, thế mạnh này không mất đi vì dịch. Nếu quay trở lại hoạt động với năng suất sẵn có, thì những nhà mua hàng cho vụ Hè Thu năm sau có thể sẽ ngay lập tức quay trở lại đặt hàng.
"Chúng ta không mất đi năng lực cạnh tranh này thì chắc chắn chúng ta vẫn có thể phục hồi và phát triển. Vấn đề là càng nhanh thì gián đoạn của chúng ta với người mua hàng trên thế giới càng ngắn", Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường nhận định.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu chỉ phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu cũng như nhu cầu tiêu thụ của một số thị trường nào đó, rủi ro sẽ rất lớn khi có biến động. Sắp tới Việt Nam phải tìm cách nâng tỷ lệ chủ động nguồn cung để tránh phụ thuộc và hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.
Theo tính toán, nếu trong quý 4, tất cả các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tỷ lệ lao động cao thì kịch bản xuất khẩu của riêng ngành dệt may có thể đạt 37,5 - 38 tỷ USD, cao hơn năm 2020 khoảng 8%.
VTV.vn -Hiện là thời điểm các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh sản xuất hoàn tất các đơn hàng. Tuy nhiên, đây cũng đang là chu kỳ nước rút tăng giá nguyên phụ liệu trên toàn thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.7453040102011202-gnah-nod-uig-cul-on-yaig-ad-yam-ted-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv