vĐồng tin tức tài chính 365

Sau khi 'tham chiến' chống dịch COVID-19, đại biểu kiến nghị gì?

2021-10-20 11:47
Sau khi tham chiến chống dịch COVID-19, đại biểu kiến nghị gì? - Ảnh 1.

BS.TS Nguyễn Tri Thức - Ảnh: DUYÊN PHAN

* TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM - đã phải viết đơn xin vắng họp kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV (tháng 7-2021) để ở lại TP.HCM chống dịch.

Cơ chế, chính sách luân chuyển bác sĩ xuống cơ sở

* Quyết định ở lại TP.HCM chống dịch COVID-19 thay vì ra Hà Nội tham dự kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV được ông đưa ra trong bối cảnh nào?

- 3 ngày trước hôm khai mạc kỳ họp đầu tiên, tôi nhận lệnh đảm trách bệnh viện hồi sức cấp cứu TP. Lúc này dịch bùng phát nhanh, số ca nhiễm mới, ca tăng nặng và nguy kịch tăng lên từng giờ. Khi đó tôi xác định nếu trong 2 tuần đưa được bệnh viện vào hoạt động mới thành công, ngược lại sẽ thất bại.

Tôi trăn trở nếu đi họp Quốc hội, việc lập bệnh viện khả năng thất bại bởi thời điểm quyết định rất cần vai trò người chỉ huy tập hợp sức mạnh, lăn xả làm tất cả mọi việc với anh em mới theo kịp tốc độ lây lan của dịch.

Tôi nghĩ Quốc hội họp cũng vì đời sống, sức khỏe đồng bào nên tôi ở lại chống dịch cũng đang làm nhiệm vụ Quốc hội đặt ra. Có tiếc nhưng với tôi đây là kỷ niệm để đời.

* Gần đây, nói về chống dịch ông đã nêu những việc làm được và cả những lúng túng. Từ góc nhìn y tế, ông có thể chia sẻ về ưu - khuyết của hệ thống y tế?

- Hệ thống y tế của Việt Nam xét về cơ cấu tổ chức có nhiều ưu việt, đi chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Từ trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện huyện, tỉnh, rồi đến bệnh viện tuyến trên cho thấy hệ thống y tế được tổ chức đến từng cơ sở, đi sâu từng ngõ ngách, đến từng người bệnh.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài việc đầu tư cho y tế cơ sở không đáp ứng đủ yêu cầu. Trang thiết bị y tế không đầy đủ, phụ cấp của nhân viên y tế không thỏa đáng...

Đợt dịch hoành hành vừa qua cho thấy rõ tầm quan trọng của trạm y tế, đặc biệt là trạm y tế ở vùng sâu vùng xa. Nhưng hiện nay việc thu hút đội ngũ y, bác sĩ giỏi về đây còn khó khăn. Điều này phải cải thiện.

* Cải thiện bằng cách nào, thưa ông?

- Phải đặt câu hỏi ngược lại vì sao không thu hút được? Bên cạnh thu nhập, cơ hội học tập và phát triển chuyên môn của nhân viên trạm y tế không có. Làm ở cơ sở ít tiếp xúc nhiều bệnh nhân nặng nên không có điều kiện nâng cao tay nghề, kiến thức chuyên môn. Chỉ lâu lâu được tập huấn, không đủ.

"Liều thuốc" đủ đô theo tôi cần cơ chế, chính sách luân phiên bác sĩ tuyến trên xuống làm ở trung tâm y tế, trạm y tế cơ sở thời gian 12 tháng. Trưởng trạm cũng phải được luân phiên, xoay vòng. Như thế tất cả nhân viên y tế tuyến trên đều hiểu công việc đồng nghiệp tuyến dưới và tất cả nhân viên ở trạm y tế đều có cơ hội học tập, thực hành cho bệnh nhân nặng ở tuyến trên để nâng cao tay nghề.

Như đợt dịch vừa qua, sau những trải nghiệm chống dịch, nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế… khi trở về đã trở thành lực lượng nòng cốt chống dịch ở địa phương. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương, ưu đãi cho cán bộ y tế cơ sở phải thay đổi phù hợp mặt bằng chung. Phải có chính sách cụ thể như khi về trạm y tế sẽ được thêm tháng bao nhiêu, hoặc các quyền lợi, ưu đãi kèm theo…

Lâu nay chúng ta hay nói phải tăng ngân sách đầu tư cho y tế, giáo dục, điều này đúng, lý tưởng nhưng chờ đến khi có ngân sách để đầu tư đúng mức thì biết khi nào hệ thống y tế được củng cố, nâng cao năng lực. Chính vì vậy phải sử dụng những điều kiện hiện có từ việc luân phiên y, bác sĩ tuyến trên xuống dưới, chú tâm đào tạo chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ hiện có.

TS.BS NGUYỄN TRI THỨC

Đầu tư trang thiết bị theo mô hình bệnh tật

Sau khi tham chiến chống dịch COVID-19, đại biểu kiến nghị gì? - Ảnh 3.

Có cơ chế củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở, nhất là trạm y tế, là yêu cầu cấp bách hiện nay. Trong ảnh: nhân viên y tế huyện Nhà Bè, TP.HCM gõ cửa từng căn hộ một chung cư để test nhanh - Ảnh: TỰ TRUNG

* Có ý kiến cho rằng sự lúng túng của hệ thống y tế trong thời gian đầu chống dịch đến từ sự đầu tư chưa xứng tầm cho hệ thống y tế?

- Đừng nhìn khi dịch bùng phát rồi lấy đó làm chuẩn để trang bị trang thiết bị y tế. Trải qua đại dịch, tâm lý chung hay sợ và tư duy cứ trang bị nhiều trang thiết bị sẽ càng tốt. Việc này không cần thiết và chắc chắn sẽ lãng phí. Mấu chốt nằm ở chỗ cần đầu tư cho y tế cơ sở, phân tầng điều trị và mua trang thiết bị cho phù hợp.

* Ông có thể nói rõ hơn đầu tư như thế nào là phù hợp?

- Đồng ý trang thiết bị y tế thiếu nhưng ở trạm y tế, bệnh viện tuyến huyện không cần thiết phải trang bị máy móc loại "đao to búa lớn" làm gì vì hiệu quả và năng suất sử dụng không cao. Chỉ cần trang bị mức cơ bản, còn không sẽ lãng phí. Để biết trang bị mức độ nào cần cơ quan dịch tễ phân tích mô hình bệnh tật của từng địa bàn.

Giả sử tại một huyện sẽ phải tổng hợp số bệnh nhân nhập viện trong vòng 3 năm qua để phân tích có bao nhiều phần trăm người có bệnh lý tim mạch, hô hấp, tai mũi họng… để vẽ mô hình bệnh tật của huyện đó.

Mô hình bệnh tật ở mỗi địa phương chắc chắn khác nhau bởi môi trường, nước uống, tập quán sinh hoạt, ăn uống… mỗi nơi khác nhau. Do đó đầu tư trang thiết bị y tế theo mô hình bệnh tật chứ không đầu tư tràn lan. Ví như bệnh viện huyện mà đầu tư máy CT thì quá lãng phí.

* Ông nói khi ngân sách còn hạn hẹp thì nên tạo cơ chế, chính sách củng cố hệ thống y tế từ những nền tảng có sẵn. Trong đó có bao gồm huy động tối đa sự tham gia của hệ thống tư nhân?

- Các bệnh viện tư nhân họ mạnh bởi có cơ chế thoáng về tiền lương để thu hút nhân tài. Nhiều giáo sư hết tuổi quản lý hiện tập trung về bệnh viện tư mà chúng tôi hay nói là "lực lượng chất xám cao cấp".

Vấn đề phải tạo cơ chế, chính sách bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe người dân giữa công và tư để huy động tối đa sức mạnh của hệ thống tư nhân. Ví dụ vừa qua bệnh viện tư nhân không được thu tiền điều trị COVID-19 là bất hợp lý và bây giờ TP đã cho thu. Chúng ta tuyệt đối chống lạm thu nhưng cũng phải thu để tồn tại, không tồn tại làm sao phát triển.

Quốc hội đánh giá lại ưu, khuyết của hệ thống y tế

Sau khi tham chiến chống dịch COVID-19, đại biểu kiến nghị gì? - Ảnh 4.

Phòng, chống dịch COVID-19 là yêu cầu hàng đầu cần được mổ xẻ phân tích kỹ để ứng phó thời gian tới. Trong ảnh: nhân viên y tế phường 5, quận Gò Vấp hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

* TP.HCM đã có chiến lược củng cố lại hệ thống y tế phục vụ chống dịch và công tác khám, chữa bệnh về sau.

- Việc củng cố phải ngay lập tức. Sắp tới bệnh nhân bệnh thông thường sẽ cao hơn bệnh nhân COVID-19 nên phải chuẩn bị tâm thế khám, điều trị 2 trong 1. Vừa điều trị bệnh nhân COVID-19, vừa điều trị bệnh nhân khác.

Chỉ thị của UBND TP có giao cho các bệnh viện công lẫn tư phải có khoa COVID-19. Dù vậy, điều kiện mặt bằng các bệnh viện ở ta không đủ để lập khu điều trị COVID-19 lý tưởng như nước ngoài, do vậy phải tổ chức mô hình 2 trong 1 hợp lý.

Phân luồng nghiêm ngặt tại khâu cấp cứu, khám bệnh để tránh lây nhiễm từ bệnh nhân COVID-19 sang bệnh nhân thường. Điều hết sức lưu ý sẽ có những người vừa bị bệnh thông thường vừa bị bệnh COVID-19.

Như vậy ngoài khoa COVID-19 riêng, ở mỗi khoa trong bệnh viện phải có phòng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 để đảm bảo theo dõi sát, không để bệnh nhân chết oan.

* Quốc hội kỳ này sẽ dành thời gian để bàn về phòng, chống dịch vừa qua, cũng như các giải pháp sắp tới. Là đại biểu ngành y tế, ông có kỳ vọng gì ở các nội dung bàn sắp tới?

- Phòng, chống dịch COVID-19 là yêu cầu hàng đầu cần được mổ xẻ phân tích kỹ để ứng phó thời gian tới. Nhưng đây cũng là cơ hội để Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan nhìn nhận lại những ưu, khuyết điểm của hệ thống y tế để không chỉ phòng, chống dịch mà còn đảm bảo cho việc khám, chữa bệnh chung.

Trong đó phân tích, mổ xẻ về các cơ chế, chính sách phát triển y tế cơ sở, đặc biệt trạm y tế ở vùng sâu vùng xa. Không loại trừ giải pháp xã hội hóa để tạo nhiều nguồn lực cho y tế cơ sở phát triển. Cùng với đó là chế độ phụ cấp, tiền lương; chính sách luân chuyển, đãi ngộ, đào tạo đội ngũ y tế, nhất là y tế tuyến cơ sở có điều kiện đi học, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn.

Dịch vừa qua cũng đặt ra vấn đề có cơ chế như thế nào để việc mua trang thiết bị y tế vừa kịp thời phục vụ người bệnh, vừa bảo vệ cán bộ. Thực tiễn có những cán bộ bị sự cố không phải vì tham nhũng. Ngoài ra, Quốc hội cũng cần mổ xẻ một số vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế, ví dụ như bảo hiểm y tế cho bệnh nhân…

Đằng sau đơn thuốc chữa COVID-19 "chui"

z2861482299397_f2d46c60f15fe9cf636646baa6e7ef61

Trạm y tế phường Linh Chiểu (TP Thủ Đức) lắp đặt tủ thuốc 0 đồng cung cấp thuốc điều trị bệnh nhân F0 nhẹ tại nhà - Ảnh: TỰ TRUNG

* Sự lúng túng ban đầu trong phòng, chống dịch đợt COVID-19 thứ 4 bộc lộ hạn chế của việc dự báo trong hệ thống y tế?

- Nói chúng ta chủ quan trước đại dịch để bị lúng túng không hẳn đúng. Thực tế ngành y tế đã chủ động, nhìn thấy hết nguy cơ nhưng chủng virus lây lan quá nhanh, quá mạnh, vượt qua sự chủ động của hệ thống gây ra sự thụ động, bối rối.

Nhưng từ bài học này cho thấy sắp tới phải nâng cao vai trò của cơ quan kiểm soát bệnh tật (CDC). Không chỉ dừng ở việc thu thập dữ liệu, báo cáo, CDC phải vừa thu thập dữ liệu, phân tích, tham khảo các cơ quan y tế chuyên môn, chuyên gia, giáo sư đầu ngành để đưa ra dự báo, làm rõ các mô hình bệnh tật, dịch bệnh.

Từ đó mới đưa ra những chính sách tham mưu cho cơ quan y tế để tham mưu cho lãnh đạo chủ động chuẩn bị và quyết định chính sách đúng.

* Trong đợt dịch vừa qua, một số người chia sẻ cho nhau đơn thuốc hiệu quả chữa COVID-19 được cho là do bệnh viện ông chia sẻ khi chưa có hướng dẫn. Tại sao bệnh viện quyết định làm việc này?

- Đã vào đại dịch, quy định thủ tục hành chính mang tính chất tương đối, chứ hành chính hóa là theo không kịp dịch. Nói vậy cũng không phải dựa vào đó để lợi dụng làm bậy mà phải cân đối và có cơ sở khoa học.

Đơn thuốc nói trên sau đó được Sở Y tế cho dùng và thực chất không có gì mới. Lúc đó Bộ Y tế đã ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 rồi, nhưng trong đó chỉ mới chấp thuận và cho phép sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm đường tiêm chích cho bệnh nhân nặng.

Tuy nhiên, thực tiễn điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy thấy bệnh nhân vào đông quá và dựa trên hiệu quả nghiên cứu được làm tại bệnh viện nên bệnh viện áp dụng cho bệnh nhân nhân uống kháng đông, kháng viêm sớm hơn một bước.

Đây hoàn toàn không phải phát minh mới mà theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, đúng cơ chế bệnh sinh của virus.

Đây cũng là bài học về việc vận dụng linh hoạt thủ tục hành chính dựa trên cơ sở khoa học trong phòng, chống dịch cần được phân tích, đánh giá kỹ.

'Nữ tư lệnh hồi sức' - PGĐ Bệnh viện Chợ Rẫy nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021

TTO - PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo - phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được vinh dự nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.

Xem thêm: mth.84144730102011202-ig-ihgn-neik-ueib-iad-91-divoc-hcid-gnohc-neihc-maht-ihk-uas/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sau khi 'tham chiến' chống dịch COVID-19, đại biểu kiến nghị gì?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools